Thứ Ba

Phỏng vấn Phú Quang

Phỏng vấn Phú Quang

Đỗ Tăng Bí ghi.

Tôi đến gặp nhạc sĩ Phú Quang tại quán của anh trên đường Nguyễn Huệ, quán Catint, lúc 10 giờ rưỡi sáng một ngày cuối Tháng Tư, 2002. (Bây giờ, nghe nói quán này đã đổi chủ.) Nếu quí vị muốn ăn một bữa đặc Bắc Kỳ với đầy đủ canh mùng tơi, cà pháo, ... xin hãy đến quán Catinat. Ở đây, suốt ngày quây quần những văn nghệ sĩ quen thuộc, bạn hữu, và thính giả hâm mộ Phú Quang, khởi đầu từ ly cà phê buổi sáng cho đến ly rượu về khuya. Buổi tối thường có trình diễn nhạc sống, và đôi khi chủ quán hứng chí, sẽ lên tặng quí vị vài bài hát như một lời cảm ơn những người yêu nhạc Phú Quang.
Mở đầu buổi gặp gỡ, Phú Quang tặng tôi một album mới nhất của anh..... . Đó là một album làm khá công phu. Toàn bộ là một tác phẩm nghệ thuật, kể cả tập nhạc in kèm như một công trình hội hoạ. Ở Việt Nam, mỗi năm xuất hiện cả ngàn CD nhạc mới của các nhạc sĩ, ca sĩ. Nhưng làm công phu như một album ngoại quốc thì rất hiếm. Tôi chỉ thấy album của Phú Quang và của Thanh Lam có được tiêu chuẩn đó. Album mới nhất của Thanh Lam là album “Mây Trắng Bay Về” phải mất hơn hai năm mới làm xong, và phải nhờ nhiều dàn hợp xướng nhạc viện, và bộ phận âm nhạc của đại công ty Warner hỗ trợ. Thường thì phải mất một hay hai năm Thanh Lam mới làm nổi một album, một nhịp độ sản xuất bình thường ở Mỹ.
Phú Quang cho biết để làm được album “Về Lại Phố Xưa”, anh phải chi ra 200 triệu, nhưng “cho đến hôm nay, gần hai tháng sau khi phát hành, em đã thu gần đủ vốn”. Phú Quang phải bỏ nhiều tiền như vậy để làm album thật công phu vì “để người ta khỏi hát sai nhạc mình nên trong này có bản nhạc, thứ đến vì mình cũng có vài điều muốn nói để thính giả gần gũi mình hơn, khi nghe nhạc mình dễ cảm thông hơn...”
Từ một lời giải thích như vậy, tôi đã đưa Phú Quang vào cuộc phỏng vấn:
ĐTB – Nhân dịp anh nói để người ta không hát sai nhạc mình, tôi nhớ lại có lần anh nói có thể bắt được cảm hứng sáng tác từ một câu thơ, bắt được hình ảnh gây cảm hứng từ một bài thơ, rồi anh khai triển thành bài nhạc của anh, vậy thì anh quan niệm “hát sai” là thế nào, còn trường hợp người ca sĩ cũng muốn đóng góp phần cảm hứng khi trình diễn nhạc anh?
PQ. – Sai ở đây là sai cả lời, sai cả nốt nhạc. Nhưng nếu người ta có thay đổi đi thì nó làm ... Thực ra trong số các nhạc sĩ thì em là dân “pro”, dân chuyên nghiệp. Em đã học nhạc 17 năm. Ở Việt Nam có những chữ chỉ những người viết bài hát, như anh thấy trong tiếng Pháp người ta không gọi những người đó là nhạc sĩ, nhạc sĩ là “compositeur”, còn người viết bài hát chỉ gọi là “tác giả ca khúc”, có thể là “l’auteur de chanson” chẳng hạn. Đó chỉ là những người viết bài hát. Thực ra để viết bài hát thì không cần biết nhạc. Bài hát nổi tiếng nhất thế giới là “Marseillaise” của một ông trung uý công binh chẳng biết nhạc là gì cả.
ĐTB. – Như thế viết ca khúc không cần công phu nhiều.
PQ. – Viết ca khúc không phải là dễ. Viết được một ca khúc hay rất là khó, nhiều khi còn hay hơn cả nhạc giao hưởng viết dở. Thế nhưng người ta không gọi là nhạc sĩ. Ở (nước) mình, chức danh thường bị xưng nhầm. Thí dụ ngày xưa ở Việt Nam mình có những ông dạy học cấp một cũng tự gọi là giáo sư cấp một. Giáo sư thì không dạy cấp một, người ta phải dạy đại học mới gọi là giáo sư được. Đó là “professeur”, chứ không phải “maitre” là thầy dạy cấp một. Nhưng như thế không có nghĩa là ông thày giáo kém ông dạy đại học đâu. Có lần em đã nói trên báo là “ông thày tôi kính trọng nhất là ông dạy tôi từ lớp 1 đến lớp 4, có điều tôi không gọi ông ấy là giáo sư”. Mình hay bị lẫn lộn những danh xưng đó. Hâu hết những tác giả Việt Nam là tác giả ca khúc đúng nghĩa. Ở mình, cứ ai làm được một, hai câu thơ thì gọi là thi sĩ, cứ hơi một tý thì mình phong ngay làm sĩ. Theo tiếng Hán – Việt sĩ là trí thức. Là thi sĩ anh phải có trí thức, không có trí thức anh không thể là sĩ được, cùng lắm anh chỉ làm mấy vần thơ, có thể là thơ hay, nhưng không có trí thức về thơ thì không thể gọi anh là thi sĩ được.
ĐTB. – Trở về với đĩa nhạc này của anh, giá bán $50,000 có cao quá không?
PQ. – Em làm đĩa như thế này cũng là để chống hàng giả. Ở Việt Nam cứ một đĩa nhạc ra là ngày hôm sau có đĩa giả ngay. Đĩa em ra đưộc hai ngày thì đã có đĩa giả, hình thức cũng gần gần như vậy, nên người ta em làm sao mà chống chuyện làm giả được. Em thì nghĩ rằng có thể. Em nghĩ rằng em có một số thính giả chọn lọc nào đó, và một khi anh thích nhạc em thì không khi nào anh đi mua một cái đĩa dởm $12,000. Anh sẽ mua cái đĩa $50,000 của em. Không phải chỉ vì cái bìa nó đẹp, mà còn có cả một cuốn sách nhạc kèm theo, trong đó em trò chuyện với người nghe nhạc em. Dân chuyên làm giả thì không đủ can đảm bỏ một số tiền lớn để in sách như vậy. Thực tế, dù có đĩa giả, đĩa thật của em bán vẫn rất chạy, chứng tỏ effect của đĩa giả không bao nhiêu.
ĐTB. – Anh tính toán giỏi đấy nhỉ.
PQ. – Nói thật với anh, trong con người em một nửa là nghệ sĩ, một nửa là con buôn. Em có một nửa máu của bà mẹ, ngày xưa Mẹ em là một người buôn bán giỏi. Mẹ em là một trong mấy chục người đầu tiên ở Việt Nam mua xe ô tô cho chồng, trong nhà lúc nào cũng có vài chục gia nhân. Tất cả hệ thống cung cấp rượu từ Hà Nội lên phía bắc, gọi là hệ thống các ty rượu, là của Mẹ em. Ông cụ em sinh năm 1890, đến 57 tuổi mới có em, nhưng rất may là cha già mà con không cọc. Ngày xưa cụ là nhà nho, nhưng sau này có học thêm tiếng Pháp. Hồi đó cụ học được đến diplôme (?) là ghê gớm lắm rồi. Ông cụ em cậy có bà vợ buốn bán giỏi nên chỉ đi dạy đại học có hai năm, còn cả đời đi chơi. Thành ra em có nửa máu ăn chơi là của ông già, nửa máu kia của bà Mẹ.
ĐTB. – Nghe nói anh viết nhạc từ năm 18 tuổi?
PQ. – Em sáng tác từ năm 17 tuổi, viết nhạc không lời. Lúc đó thâm tâm em coi thường ca khúc. Em viết nhạc cho các dàn nhạc giao hưởng. Em chỉ viết chơi vài bài loại ca khúc, nhưng sau này khi vào Sài Gòn, từ cái láu lỉnh em mới nhận ra rằng nếu không viết ca khúc thì người ta không gọi mình là nhạc sĩ. Thành ra em viết ca khúc chơi, rồi dần dần thì thấy nó cũng hay. Nhưng quả thực khi viết ca khúc chưa bao giờ em có được cảm giác khoả thân ở trong đó được. Em thấy chỉ có viết nhạc không lời mình mới có thể đắm chìm tất cả con người mình trong đó. Còn ca khúc chỉ là những khoảng khắc, nên trong tập sách nhạc này em có nói một điều, lúc đầu người ta tưởng mình nói chơi, đó là trong phần lời tực. Thực ra, ngay khi nói với báo chí, mình hay nói đùa, nhưng chính khi nói đùa là mình nói một chuyện rất thật. Lời tựa này cũng giống như một thứ giả vờ tuyên ngôn “Tự thân bài ca vốn dĩ chỉ là một cái gì bé nhỏ ...GHI LẠI TỪ TẬP NHẠC”. Nhiều khi em viết một cái gì đó, nhưng luôn bên cạnh là những điều rất chung. Như em viết về ông bạn thi sĩ rất thân, ông Thái Thăng Long, em không chỉ viết về cá nhân ông, không chỉ vẽ chân dung ông, mà còn viết về những gì rất đời sống, như ví ông ta với Hà Nội chẳng hạn. Có nhiều người nói với em rằng “ông làm gì mà viết nhiều về Hà Nội thế. Hà Nội chỉ có những con đường nhỏ hẹp thôi.” Với những người qua đường hay dửng dưng, thì chỉ thấy Hà Nội là nhhững con đường nhỏ hẹp, nhưng nếu hiểu biết xâu xa hơn, thì sẽ thấy khác hơn nhiều.
ĐTB. – Về bài “Im Lặng Đêm Hà Nội”, anh đánh giá thế nào?
PQ. – Trong tập nhạc kèm theo đĩa này em có in bài đó, với lời dẫn như thế này “....” Đại khái là nhân một ngày trở về Hà Nội, em bỗng cảm thấy cô đơn, cảm xúc viết ra bài đó. Lời dẫn trên chỉ là cách giải thích xa hơn chứ không nói trực tiếp vào vấn đề, tuỳ mỗi người nghe thế nào thì nghe. Em viết bài đó cách đây hơn 10 năm. Các bài hát của em thường viết ra rất lâu mới được đón nhận. Mình là người có số phận không được đón nhận ồn ào, sau dần thành quen lối đó.
ĐTB. – Nhiều bài trong này là thơ phổ nhạc?
PQ. – Thực ra em thường chỉ lấy ý thơ, hoặc một câu thơ, rồi viết lên lời cả bài nhạc. Thí dụ bài “Hà Nội Ngày Trở Về”, chỉ có một câu của Thanh Tùng: “Vội vã trở về, vội vã ra đi”, bài “Im Lặng Đêm Hà Nội” lấy ý thơ của Hoàng Ngọc Liên (?), hoặc bài “Mơ Về Nơi Xa Lắm” em cứ đề lời thơ Thái Thăng Long, thực ra anh ấy chỉ có một câu: “Ta mơ thấy em từ nơi kia xa lắm, một Hà Nội ngây ngất nắng, một Hà Nội run run heo may.” Em đề trong bài nhạc như vậy vì nghĩ rằng nếu không có những câu thơ đó thì không có bài hát đó. Vốn dĩ em ngày xưa mê văn nchương hơn âm nhạc. ngày xưa em tốt nghiệp Tổng Hợp Văn. Hồi bé em mê văn hơn là nhạc, và ngay cả bây giờ bạn bè giới văn chương hoạ sĩ đông hơn bạn bè giới âm nhạc.
ĐTB. – Anh được mô tả là một nhạc sĩ khó tính, khó tính với ca sĩ, thực ra là thế nào?
PQ. – Mỗi người có một quan niệm, em thì quan niệm thế này: Có những ông nhạc sĩ, thi sĩ, nếu có ai hỏi bài hát, bài thơ này thế nào, thì ông ta bảo để từ từ ông ấy về xem lại, ông ấy quên rồi, phải đọc lại mới biết ra sao. Riêng em, những gì em viết ra thì em phải nhớ, giống như có ai hỏi đây có phải là con anh không, chẳng lẽ nói để tôi xem lại đã, hoặc hỏi nó bao nhiêu tuổi thì mình lại chờ hỏi nó xem đã. Đúng ra trên đời này cũng có những người mẹ, người bố không biết rõ con mình thật. Nhưng em quan niệm rằng nếu là tác phẩm mình đẻ ra thì giống như đứa con mình, mình phải thuộc lòng chứ. Tác phẩm em đẻ ra từ năm 17 tuổi đến bây giờ em cũng còn nhớ được tương đối. Dĩ nhiên nhạc không lời nó phức tạp hơn thì lâu như vậy khó lòng nhớ hết nổi, nhưng một ca khúc thì mình phải nhớ chắc chắn như thế nào chứ, anh chỉ cần 5 phút là chép lại được ngay. Thêm nữa, em có nguyên tắc này là công việc của mình là sáng tạo, tác phẩm mình đẻ ra đã được nắn nót như thế, thì không vì lý do gì các cô ca sĩ có thể sửa nó đi được. Một bài nhạc Việt Nam thì không thể là một bài hát nước ngoài, lại có hú hiếc gì đó. Không thể một bài nhạc mình lại có thêm phần feeling giống như Celine Dion thì nghe nó ngớ ngẩn. Người ta tưởng đó là sáng tạo, nhưng thực ra đó là điều rất buồn bã. Ngay cả cô ca sĩ nổi tiếng như Mỹ Linh hát một bài của ông Dương Thụ chẳng hạn, cô ấy lấy luôn một câu feeling của ai đó mà ghép vào. Đã gọi là feeling thì tự anh phải hát ra, nhưng đây lại bắt chước một câu goị là ngẫu hứng của người ta, ghép vào bài nhạc Việt Nam, rồi rất tự hào đó là sáng tạo.. Em quan nniệm đó là điều ngớ ngẩn, rồi em sẽ viết một bài báo động về quan niệm thẩm mỹ của người mình: Đó là sự đánh tráo giá trị và sự dung tục hoá nghệ thuật. trên các phương diện truyền thông, trên báo chí, truyền hình. Hiện nay người ta đang làm nghệ thuật rẻ rúng đi, người ta không dám chê những giá trị đích thực, nhưng người ta cứ lôi những giá trị giả ra mà khen ngợi mãi thì có nghĩa rằng giá trị đích thực lâu dần thành đồ giả. Đó là đánh tráo giá trị. Em dùng hình ảnh thế này để diễn đạt: Thời kỳ đất nước khó khăn, ở Sài Gòn có người chế ra cà phê bắp để thay cà phê thật không kiếm đâu ra. Đến một ngày nào đó, người ta đã quá quen với cà phê bắp, nếu có ai mang cà phê thật ra thì người ta sẽ bảo đó là cà phê giả vì “cà phê tôi uống từ xưa đến giờ đâu có làm mất ngủ, đâu có làm tim đập nhanh,..” Vậy thì tình hình tuyên truyền hiện nay rất nguy hiểm tới quan niệm thẩm mỹ của người mình.
ĐTB. – Trong đĩa này có một bài Thanh Lam hát, anh thấy cô ấy có hát đúng với nhạc không.
PQ. – Rất đúng, anh ạ. Không có một lời hú hý nào cả, bởi vì em có lần nói với cô ấy rằng nếu không hát đúng thì cháu có thể nghỉ hát. Cũng có lần cô ấy hỏi “chú có cho cháu sửa không?”, em cương quyết là không có sửa gì cả, “hoặc hát nhạc chú, hoặc không.” Đối với công việc em quan niệm khác nhiều người. Thí dụ ngày xưa, một cô ca sĩ khi đã nổi lên có thể nói thế này: “Chú biết không hôm qua cháu hát cho chú một bài được “bis” đấy!” Người khác thì chắc cũng cám ơn để khỏi mích lòng, nhưng em thì nói luôn: “Cháu không thể nói hát cho chú được. Đáng lẽ cháu phải nói là hôm qua nhờ bài hát của chú cháu hát đã được bis. Hơn nữa cháu còn phải mang tiền hát chia cho chú nữa chứ. Chú phải nói với các cháu điều này, đây có cả Thanh Lam, cả Hồng Nhung, cả Mỹ Linh, chú nói thế này: Các cháu có hát thêm một bài của chú, chú cũng không thể nổi hơn Phú Quang được. Nếu các cháu vì giận quá không hát thì chú cũng không thể vì vậy mà mờ nhạt đi thành phú ông, phú hộ gì được.
ĐTB. – Tôi có nghe mấy cô nói anh khó tính. Nhưng kể ra anh có một quan niệm khá khác người và đứng đắn trong nghệ thuật.
PQ. – Thế này anh ạ, vì người ta thường nghĩ nghệ sĩ là một anh quần áo nhầu nát, tóc tai bù sù, chân nam đá chân xiêu, nói trước quên sau, thậm chí lâu ngày khôngn tắm nữa. Thực ra không phải như vậy. Nghệ sĩ đích thực là một nhà khoa học. Trong một buổi hội thảo về “con người thế kỷ thứ 21”, gồm toàn là các ông bằng cấp, chỉ có mình em thuộc giới âm nhạc. Một ông bảo em thế này: “Cứ như ông Quang là sướng nhất, chẳng cần khoa học gì cả...” Em đã phải nhắc khéo ông ấy rằng ông ấy bảo cùng học trường Đống Đa với em, nhưng suốt 10 năm trời năm nào em cũng nhất toán và văn, mà chẳng thấy ông ấy đâu cả. Vậy thì trong 10 năm đó em không là nghệ sĩ à. Còn muốn trở thành như em hiện nay trong “cái nghề nghệ sỹ này”, em cũng đã phải học một cách đàng hoàng, học theo tinh thần khoa học chứ. Thành ra người ta quan niệm như vậy, buồn lắm. Thí dụ mỗi nhà soạn nhạc của Tây chẳng hạn, khi đến giao lưu với anh, người ta mở ra tập dầy nhạc phổ. Còn ông Việt Nam rút từ trong cặp ra, đôi khi từ trong ví ra, một tờ giấy nhàu nát, rồi ông gõ tay thế này thì piano đánh thế nào được. Đó là cái thê thảm của nghệ thuật Việt Nam.
ĐTB. – Năm anh 17 tuổi đã bắt đầu sáng tác nhạc không lời, thế anh học nhạc từ bao giờ?
PQ. – Em học nhạc từ năm 7 tuổi, ở nhạc viện Hà Nội, ngày xưa gọi là trường âm nhạc Việt Nam. Em học nhạc từ bé, những nếu hỏi vì lý do gì đi học nhạc, nói ra nghe buồn cười lắm. Hồi đó đất nước còn khó khăn lắm, nhưng tất cả học sinh nghệ thuật hưởng một chế độ đặc biệt về đường, sữa, thịt cá, rồi lại bồi dưỡng rất cao. Ông anh của em nhất định đẩy em vào trường nghệ thuật cho sướng thân. Nhưng khi thi thử vào trường múa thì cái chân mình cong queo, người mình không cân đối, không được nhận. Mà em thì ghét múa, nên khi bị trượt thì lại mừng. Sau đó thi vào trường nhạc thì suất sắc, được nhận ngay. Nghĩa là nếu có vào trường nhạc cũng vì là chỗ có cái cho em ăn, thế thôi. Cũng may đó là cái nghề mình cũng thích. Thực ra thì nó cũng có trong máu mình, ông già em ngày xưa dân ăn chơi dữ lắm, đi hát cô đầu, đánh trống, chơi đàn nguyệt này kia rất hay, nên cũng có ảnh hưởng đến em.
ĐTB. – Tôi có một số người quen rất thích nhạc của anh. Tuy nhiên có anh nhận xét nhạc anh có hơi Tây. Như thế trong sáng tác của anh những bài mang hơi hướng dân ca, quan họ, thì do đâu mà có như vậy?
PQ. – Anh đã nghe bài “Chiều Phủ Tây Hồ” chưa. hoặc những bài như “Đêm Ả Đào”, ... nhiều bài mang hơi dân ca lắm. Nhưng tận thẳm sâu trong ý nghĩ về âm nhạc của em thì có hơi khác. Tại sao em có thể làm những bài đặc dân ca? Bởi vì đó là cách làm nhạc rất dễ. Nói thật ra, theo em, những người cứ nhái nhái dân ca, em gọi đó là ăn cắp của các cụ. Thực ra, những đoạn trong bài “Chiều Phủ Tây Hồ”, “Đêm Ả Đào”, có những đoạn như thế này,... thì nó cũng giống như khi ta hát “Hồng Hồng, Tuyết Tuyết, nhớ ngày nào còn chưa biết cái chi chi,...” Nói cho đúng đó là lấy của các cụ. Em làm những bài dân ca vì để mọi người hiểu rằng nếu muốn tôi cũng có thể làm những bài mang chất dân ca được. Nhưng em quan niệm không nên như thế. Thí dụ anh lấy bài ru con Nam Bộ: “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ,...” Anh có hát thành “Gió mùa thu ớ ơ ơ, mẹ ru con ngủ ứ ư ư,...” thì vẫn còn hay anh ạ. Mặc dù anh đã làm hỏng rồi nhưng vẫn còn hay. Có phải của các cụ vốn đã hay rồi không. Bây giờ lấy làm của mình, gọi là mang hồn dân tộc. Nhưng em muốn chứng minh một điều ngược lại: Tính dân tộc càng cao bao nhiêu thì tính quốc tế càng thấp bấy nhiêu. Tại sao nhạc Mỹ phổ biến khắp thế giới, bởi vì nó đâu có mang nặng tính dân tộc nào đâu. Cái nhạc Nga thì anh nghe biết là nhạc Nga ngay, nên biên ngiới nó bị đóng lại. Cao cấp hơn nữa là nhạc Ý, nhưng cũng không phát triển được vì màu sắc nó rõ ràng quá. Cho nên không phải nhạc em mang tính Tây. Em chỉ muốn nó (phổ quát hơn). Khi em sang Paris biểu diễn, một bà phóng viên Paris Match viết thế này: “Tôi biết ông ta nói cái gì nhưng tôi có thể hiểu được tất cả những điều ông ta muốn nói.” Như thế anh thấy làm những bài như “Chiều Phủ Tây Hồ”, mà nhiều người cho là khá thành công, thì rất dễ. Nói ra với anh thì lộ bí mật, nhưng nói thực làm những bài đó rất dễ. Như đã nói với anh, trong mấy bài đó em nhái âm hưởng ả đào, “Hồng Hồng Tuyết Tuyết,..,” nhưng người ta rất thích. Bởi vì trong (thưởng thức) âm nhạc có một yếu tố này nữa: Là người ta phải quen với “đường rãnh” của nó. Lần đầu nghe thì phải thấy bài này nghe được, nhưng muốn thuộc nó, muốn rung động với nó, phải đến lần X. Thí dụ anh bảo rất thích bài “Im Lặng Đêm Hà Nội” của em, thì lần đầu tiên anh phải cảm thấy bài nài cũng được, rồi lâu dần anh mới thất hay và rất thích. Những bài hát mang tính dân ca được người ta thích là như vậy. Người nghe đã nghe điệu nhạc này ở đâu đó rồi, nên rất dễ cảm thông. Nhạc của em có một cái nhược điểm là không một bài hát nào của em được chấp nhận rộng rãi trước 5 năm sau khi sáng tác, sớm lắm cũng phải 10 năm. Thí dụ bây giờ người ta cứ nói rằng “một sáng tác mới rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phú Quang là bài “Không Phải Bởi Mùa Thu.” Thực ra không thể gọi là mới được, vì em sáng tác bài đó từ năm 1976, tức là 26 năm rồi. Nhưng bây giờ người ta mới hát vì bây giờ mới quen với cái kiểu cách bài đó. Mình mới nghiệm ra rằng số của mình như vậy.
ĐTB. – Trong số các ca sĩ anh cho ai là người hát anh “nghiêm chỉnh” nhất?
PQ. – Em là người không có ca sĩ riêng cho mình, và em cũng không muốn có ca sĩ riêng. Mỗi ca sĩ hát được một số bài thôi, có lẽ vì mình cũng hơi “dị dạng”, chẳng ra công, chẳng ra quạ. Cho nên tuỳ người, tuỳ bài, có một số người hát một số bài nào đó thành công như Lê Dung, Thanh Lam, Quang Lý, Hồng Nhung, Ngọc Anh. Em cũng không thích một ca sĩ nào riêng hát cho mình, như anh Trịnh Công Sơn có chị Khánh Ly. Điều đó có thể gây ấn tượng nhưng cũng có cái hại là sau này nếu có ai hát Trịnh Công Sơn thì người ta có cảm tưởng hát không đúng. Cũng như người ta bảo Hồng Nhung hát Trịnh Công Sơn hay, em thì chẳng thấy hay ở chỗ nào cả.
ĐTB. – Trong số các nhạc sĩ có thể gọi là đàn anh,.. thôi nói như thế này, lúc nãy anh có hát đoạn dân ca Nam Bộ, thì tôi nhớ đến nhạc sĩ Phạm Duy với trường ca Mẹ Việt Nam. Anh có gọi đó là sáng tác của ông ta không?
PQ. – Đó cũng là sáng tác anh ạ. Nhưng em vẫn muốn nói rằng viết mà dựa trên dân ca thì đối với một người có nghề như em, đó là việc dễ nhất. Nếu anh muốn có dân ca Campuchia,... thì cũng rất dễ. Em từng viết một bài hát Nga mà thằng Nga phải hỏi tại sao bài hát Nga này tao chưa từng được nghe bao giờ. Bởi vì theo một qui luật điệu thức nào đó thì anh sẽ viết ra một bài Nga ngay. Nó có một biểu thức, một công thức, một người có học sẽ phân tích công thức đó ra và đưa nốt nhạc vào, dứt khoát nó sẽ ra loại nhạc đó. thí dụ công thức nhạc Ấn Độ, hay nhạc Trung Á chẳng hạn, nó theo điệu thức (là lá la lá la là là...). Còn nếu anh nghe điệu như thế này (... ) thì anh lại nghe ra nhạc Nhật ngay. Do đó cái việc viết nhái dân ca là việc dễ nhất. Nhưng nhiều người cho đó mới là dân tộc, là quốc hồn quốc tuý. Em không nghĩ vậy.
ĐTB. – Như thế trong các nhạc sĩ đàn anh, anh đánh giá ông nào ...
PQ. - Em bị một cái lỗiø không thấy ai là thần tượng. Mỗi người em ưa thích họ ở một vài điều. Nhưng nếu coi là thần tượng thì mình phải theo họ, mà vốn dĩ từ bé mình bướng bỉnh. Nhiều khi mình cứ gọi tướng lên là thế này thế kia, chứ trên thế giới một nhạc sĩ nổi tiếng thì bề dày của họ khủng khiếp lắm, chứ với mình một vài ca khúc có gì đáng khoe mẽ đâu. Ở nưo971c mình có bệnh vĩ cuồng, làm được vài bài hát coi người như rác hết. Khổ một cái nghệ sĩ là số hiếm hoi người được vỗ tay. Như anh là nhà báo, có viết một bài báo hay đến mấy cũng chẳng ai vỗ tay cả, rồi một bác sĩ có chữa được bệnh hiểm nghèo cũng chẳng ai vỗ tay, nhưng em cứ hát một bài tạm được là người ta vỗ tay rồi. Thế thì mấy ông nghệ sĩ tưởng rằng những người vỗ tay mình là thua kém mình rồi. Đó là một sự nhầm lẫn. Thành ra người nghệ sĩ nhiều khi cũng có ngộ nhận. Ông Phạm Duy em thấy một số bài hay, ông Văn Cao cũng một số bài hay, và nhiều nhạc sĩ khác nữa, ai cũng có cái hay, nhưng bảo là thần tượng thì không. Có một lần qua Singapore người ta hỏi ông này ông kia có phải bậc thày không, thì em bảo là không, “theo chỗ tôi được biết thì tôi học nhiều hơn họ, nhưng không phải vì thế tôi không quí mến họ. Tôi rất yêu mến họ.” Chẳng hạn có một lần em làm đêm nhạc Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Phú Quang, có người khích bác nói là em đứng bên hai đỉnh núi thái sơn. Em nói rằng “trước hết đối với tôi họ không phải núi thái sơn, tôi có làm đêm này chỉ vì tấm lòng yêu mến. Xuất xứ chương trình này chỉ vì có lần anh Văn Cao nói với tôi là “Quang ơi, anh rất buồn là nó lôi anh ra Hải Phòng một tuần liền, đêm nào cũng nói năng lăng nhăng mà không có một xu nào, mỗi ngày nó cho anh uống mấy chén rượu, ăn một hai bát súp.” Thế thì tôi thấy thương anh ấy, nghèo quá. Tôi bảo anh để đấy em làm cho anh.” Anh có biết lúc đó một cô ca sĩ lấy có $150,000 thôi, mà em tặng ông Văn Cao 10 triệu, ông Trịnh Công Sơn 5 triệu. Em nói chỉ phiền ông ấy thế này thôi, là “buổi đầu tiên em chỉ cần anh ra chào một cái, không cần nói năng gì hết. Em sẽ dìu anh ra chào một cái.” Cô Hồng Nhung thấy em đưa ông Văn Cao 10 triệu, bảo em rằng: “Chú ơi, chú trả ông Văn Cao cao thế mà trả cháu thấp thế?” Cô ấy là ca sĩ hàng đầu mà, lúc nào cũng phải $150,000. Thì em mới trả lời cô Hồng Nhung thế này: “Không phải cháu ạ, cháu mới là cao, còn bác Văn Cao thì bị thấp, vì cả đời bác ấy mới được có 10 triệu, còn cháu cứ hát một đêm là có $150,000 rồi. Cháu được cao đấy.” Mình làm cũng vì tấm lòng, nhưng người ta nghĩ là mình nhờ danh tiếng đó. Họ quên một điều là khi em làm chương trình một mình thì bán vé nhanh hơn là làm chương trình chung. Không phải vì nhạc mình hay nhơn ai, nhưng khi làm một mình thì có những “fan” chỉ thích nhạc mình thì mua vé rất nhanh. Có thính giả cực đoan còn nói bọn tôi chỉ mua vé khi anh làm chương trình một mình thôi. Các chương trình em ở Việt Nam bao giờ cũng bán hết vé, mọi người hỏi làm sao mà giỏi thế. Thực ra có giỏi gì đâu. Cứ thử nghĩ là bán vé ba đêm đầy nhóc rạp thì chỉ khoảng 3500 vé, mà trong khi Hà Nội, Sài Gòn mỗi thành phố năm bảy triệu người mà chỉ bán số vé đó thì có tài năng gì đâu. Nhưng có điều “tôi biết bán đúng người cần mua vé.” Chứ còn trong cái nghề nhạc này, cá nhân em có thể nói không có gì đáng để khoe mẽ cả. Nếu em nói số lượng thì anh giật mình, nếu không nói chất lượng chỉ số lượng thôi thì em đã viết nhhạc cho hơn 200 bộ phim, về sân khấu trên 100 vở, về nhạc cho ballet khoảng hơn 300 tác phẩm, còn giao hưởng, không lời nữa. Em viết đủ mọi thứ, phối nhạc nhẹ, ca khúc, giao hưởng, thính phòng, nhạc kịch, thậm chí nhạc cải lương, nhạc chèo cũng viết. Mọi người hỏi sao anh tài thế, “ tài tôi cũng giống như một con vịt, cái gì cũng một tý thôi” Thực ra chỉ để thoả cái tính tò mò, táy máy, muốn thử xem viết cho cải lương thì thế nào. Vậy mà khi viết cho cải lương, ngay cả Thanh Kim Huệ cũng cứ phong em là vua viết nhạc cải lương. Thực ra chẳng vua chúa gì đâu, cũng gọi là đâm thuê chém mướn, kiếm ăn đấy mà.
ĐTB. – Hồi nãy anh có nói viết bài báo để “báo động về thị hiếu thẩm mỹ”, anh nói rõ hơn được không?
PQ. – Em chỉ muốn nói rằng trên báo chí, truyền hình, trên các phương tiện thông tin đại chúng, họ đang dung tục hoá nghệ thuật.. Tất nhiên là nghệ thuật thì muôn màu muôn vẻ, nhưng anh không thể xếp bà bán cá ngoài chợ bến thành nghe cùng thứ nhạc với anh được. Thứ nhạc anh thích thì bà ấy không thể thích được, vậy đừng ép bà ấy ngồi chung. Phải để bà ấy nghe Chế Linh, Tuấn Vũ, ...Nhưng thế này, nếu anh không nghe được loại đó thì anh cũng đừng mắng mỏ người ta khi người ta nghe. Không thể ép người khác theo ý thích mình. Thế nhưng trong phương tiện thôn tin tuyên truyền, không thể lấy một góc đó rồi thổi phồng lên (để chứng tỏ là bình dân). Trong một hội nghị âm nhạc em nói thế này: “Bởi vì tôi thấy các anh lập quá nhiều trung tâm phục hồi chức năng, nếu nhà nước còn tiền tôi đề nghị lập một trung tâm phục hồi chức năng xấu hổ.” Con người ta bây giờ có mấy dây thần kinh về xấu hổ đứt gần hết rồi. Thí dụ trong dịp tết vừa rồi (tết 2002), có chương trình của một cô biên tập viên, một nhà văn làm trong truyền hình, đã viết kịch bản về một cậu pê đê, thế mà cô ta cắt chương trình của ngoại quốc chêm vào, dụng ý xuyên tạc, bôi nhọ đi làm thành buồn cười, bẩn thỉu. Rõ ràng họ không ý thức gì về nghệ thuật, và còn không ý thức về bản quyền nữa. Đưộc cái may chươngt trình truyền hình Việt Nam chẳng ma nào xem để mà kiện cáo cả. Chuyện đạo văn không có gì mới mẻ cả, nhưngđời Đường, khi bị tố giác đạo văn, người ta tự tử. Còn đời nay, người ta lại vênh vang, tự hào là mình ăn cắp giỏi. Lại thêm chuyện này, có một ông nhạc sĩ, vợ là nhà báo, thì trong 20 bài viết ca tụng ông ấy có đến 19 bài do vợ ông ấy viết. Cô con gái này thì chỉ nói nhạc bố tôi là hay nhất, còn cô nọ thì nhạc chồng tôi là hay nhất. Có một lần ông Nguyễn Đình Toàn nói: “Bây giờ mình chán quá rồi Quang ạ. Có cái thằng Dương Thụ mình đoịc mấy chục bài về nó thì có đến mười mấy bài vợ nó viết.” Em mới nói đùa thế này: “Anh ơi, có gì mà buồn, thời buổi này em gọi cho đúng từ thì là thời buổi người ta thủ dâm danh vọng. Chẳng có ai làm mình sướng thì mình làm mình sướng vậy.” Người ta làm những chuyện nđó lồ lộ giữa ban ngày.
ĐTB. – Anh thường gặp Nguyễn Đình Toàn?
PQ. - Em rất quí ông ấy. Hồi mông ấy còn ở Việt Nam, thỉnhthoảng nhoặc em đến ông ấy, hoặc ông ấy đến em. Anh em ngồi với nhau raq61t lâu. Vừa rồi từ Mỹ ông ấyn có gửi tặng em một cái đĩa mới của ông ấy. Ông ấy là người có một khả năng rất lạ lùng, em nghiệm thấy một số người trong đời, là có khả năng hâm nóng anh lên. Khi buồn chán, đến nói chuyện với ông ấy là anh lại thấy muốn làm việc. Trong giới nghệ sĩ hai người em quí mến nhất, vì tư cách của họ. là ông Lê Đạt và ông Nguyễn Đìnhn Toàn. Theo em, tư cách mới mlà quan trọng, tài năng anh có thể học hỏi, tập tành miệt mài để nâng cao, nhưng còn nhân cách là điều muốn rèn được thì khó vô cùng.

Còn nhiều điều tôi muốn hỏi Phú Quang, nhưng một tiếng rưỡi đồng hồ đã trôi qua, nên đành cảm ơn và hẹn Phú Quang một dịp khác.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét