Thanh Lam không hối tiếc về tình yêu bồng bột thời trẻ
Diva nhạc Việt cho rằng, ở mỗi độ tuổi, tình yêu có một màu sắc riêng và đó chính là duyên nghiệp khó tránh.
- Sau liveshow “Người đàn bà yêu” chị lại ra tiếp album “Yêu”. Điều gì khiến một người đàn bà ngoại tứ tuần liên tục nói về "yêu"?
- Chúng ta không thể sống thiếu tình yêu. Những tình yêu đích thực đều
có giá trị quan trọng. Tình yêu giúp ta thêm năng lượng sáng tạo, giúp
đời ta thêm ý nghĩa. Tại sao ở tuổi này tôi vẫn luôn muốn gắn đến chữ
yêu? Bởi vì tôi vẫn cần tình yêu.
- Với chị, tình yêu tứ tuần khác gì tình yêu tuổi đôi mươi?
- Mỗi tuổi tình yêu có một vẻ đẹp khác nhau. Tình yêu đôi mươi đẹp ở sự
nồng nàn, ở sự hừng hực mù quáng, ở sự ngu ngốc đầy lãng mạn. Và đó là
sự ngu ngốc khó có thể lặp lại.
Ở tuổi bốn mươi, tình yêu có vẻ đẹp của sự chín chắn, bền bỉ nhưng cũng
giảm đi rất nhiều nhiệt lượng yêu. Khi yêu mà tỉnh táo, biết chọn lựa,
tính toán dự án tốt nhất cho mình thì bớt hẳn đi sự thi vị. Tuy nhiên,
tình yêu của tôi bây giờ ý nghĩa hơn tình yêu thời trẻ rất nhiều. Nó
chín muồi nhất, có ý nghĩa lớn nhất vì nó là sự “cho” trong khi ngày xưa
mình thích “nhận”.
Thanh Lam nồng nàn ở tuổi 44.
|
- Với “sự ngu ngốc đầy lãng mạn”, chị yêu và có con đầu lòng từ rất trẻ. Có bao giờ chị hối tiếc về tình yêu ấy?
- Đạo Phật dạy, những người gieo duyên từ kiếp trước thì kiếp này phải
gặt. Kiếp này Thanh Lam phải đánh mất tuổi trẻ của mình, làm mẹ từ rất
sớm, đó là thiệt thòi rất lớn. Tuy nhiên tôi không nuối tiếc. Tôi nhận
được một email từ người bạn, trong đó có phân tích về họa phúc tương
sinh, trong rủi ro vẫn có may mắn, cái may mắn của cuộc sống cũng tiềm
ẩn bấp bênh của sự rủi ro. Tôi nghĩ chúng ta không bao giờ được hết và
không bao giờ mất hết. Con gái chính là “cái được” của tôi.
- Có hai cô con gái cũng đang ở tuổi yêu thời mù quáng, chị khuyên con thế nào về chuyện yêu?
- Có hai cô con gái là áp lực rất lớn với một người như tôi. Con gái
đầu đang học ở Australia về thiết kế nội thất. Con gái thứ hai ở với bố
và ông bà, gần gũi ông để học thanh nhạc. Ở tầm đôi mươi các cô gái
thích kể với bạn bè về rung động đầu đời hơn là với mẹ vì sợ mẹ mắng hay
dò xét bạn trai.
Mẹ phải gần gũi tỉ tê để con chia sẻ vì thật ra tôi cũng là một người
văn minh, biết rút kinh nghiệm từ chính cuộc sống của mình để dạy con.
“Thân con gái như hạt mưa sa” - câu ấy đúng ở ngày xưa nhưng bây giờ các
cô gái thông minh nếu biết nghe theo lời mẹ sẽ tránh được rất nhiều sai
lầm.
Nhưng có vẻ như các con cũng như tôi, có rất nhiều bồng bột tuổi trẻ,
không thể tránh được. Các con cũng phải có những giọt nước mắt trong
tình yêu thì mới biết rút kinh nghiệm cho cuộc sống.
- Vậy ngày xưa khi lần đầu yêu, vì sao chị không nghe lời mẹ để phải chịu sự lỡ dở?
- Ngày xưa không phải tôi không nghe lời mẹ nhưng những phụ nữ cá tính
ngay từ nhỏ đã không bao giờ thích sự áp đặt. Phương pháp áp đặt, chỉ có
thể dạy những người ngoan hiền, với những người cá tính cần có mẹo.
Với một con người bền bỉ như tôi, tôi nghĩ qua những thăng trầm cuộc
sống, nếu chúng ta có ý thức sống mãnh liệt, ta sẽ có những kinh nghiệm
quý báu từ được và mất trong cuộc đời mình.
- Sau những được - mất, chị rút ra những kinh nghiệm nào trong việc chọn đàn ông?
- Sau những trải nghiệm cuộc sống, tôi thấy không có điều gì trên đời
là tuyệt đối vì vậy phải chấp nhận mọi thứ ở sự tương đối. Tôi không đặt
kỳ vọng vào người đàn ông của mình, phải thế này, phải thế kia. Tôi yêu
họ đúng với những gì họ có và nhìn vào sự nỗ lực của họ. Tình yêu không
thể đòi hỏi vì nếu đòi hỏi sẽ mất đi ý nghĩa của nó, hãy để mọi thứ tự
nhiên. Tôi vẫn cho là, trong cuộc sống của chúng ta, nhất là phụ nữ,
tình yêu là một duyên nghiệp vì thế tôi không quá coi trọng việc họ phải
làm gì cho mình nữa.
Thanh Lam hát cùng hai con Thiện Thanh (trái), Đăng Quang trong đêm nhạc "Cầm tay mùa hè" của Quốc Trung hè 2011.
|
- Sự hợp tác với chồng cũ có khiến người đàn ông hiện tại của chị hờn giận?
- Trong cuộc sống văn minh bây giờ, chuyện tôi và anh Quốc Trung làm
bạn không còn là điều khó hiểu. Khi người ta yêu, người ta sẽ hiểu nhau,
tôn trọng những kỷ niệm quá khứ. Người đàn ông hiện tại của tôi tôn
trọng mối quan hệ có văn hóa giữa tôi và Quốc Trung. Duyên hết còn nợ.
Tại sao tôi và Quốc Trung vẫn luôn đồng hành cùng nhau? Vì chúng tôi còn
chung với nhau tương lai, sự nghiệp của các con.
Hai con của tôi và Quốc Trung ở cùng bố nhưng tôi nghĩ tôi đã làm tròn
bổn phận của mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn cố gây dựng tương
lai tốt nhất cho chúng. Không một người mẹ nào không yêu con trên cuộc
đời này nhưng mỗi người mẹ yêu con theo cách riêng của mình.
- Trong dịp Tết đến Xuân về, chị bù đắp thế nào cho con cái?
- Tết mọi người thường hân hoan nhưng với tôi thường là những khoảng
lặng, có vui có buồn. Tết với tôi giản dị như ngày thường, không làm
những gì ầm ĩ, náo nhiệt. Tết năm ngoái tôi đưa các con đi xa, ba mẹ con
đã có những giây phút rất vui vẻ. Năm nay cậu út Đăng Quang vừa hoàn
thành cuộc thi piano ở Nhật, làm mẹ rất tự hào. Tết với những người nghệ
sĩ đôi khi phải đi xa nhưng tết năm nay tôi muốn dành thời gian cho cha
mẹ, cho các con và một nửa của mình.
- Tết hiện tại của chị có gì khác với ngày thơ ấu?
- Mỗi thời điểm đều có giá trị của nó. Trong vất vả chúng ta càng trân
quý hơn những ngày vui. Khi xưa, bố mẹ tôi là cán bộ nhà nước, đều nghèo
nên ngày Tết rất giản dị. Nhưng chúng tôi là người lạc quan, trong cái
vất vả giản dị, vẫn tìm thấy cái hạnh phúc. Bây giờ mình đã có sự
nghiệp, kinh tế ổn định, nhưng đôi khi trong sự đầy đủ đó, chưa chắc
nhận được cái hạnh phúc như thời nghèo khó ngày xưa.
Tôi nhận ra rằng, cuộc sống không thể tiên đoán điều gì trước, hãy sống
một cuộc đời ý nghĩa nhất trong khả năng của mình, trong những cái mình
được trời cho, cha mẹ cho để không bao giờ cạn kiệt hoài bão, cạn kiệt
đi những ước mơ và tình yêu.
Ngọc Trần thực hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét