Dù Trung không phải người nghiện uống bia nhưng tôi vẫn thích dùng câu slogan của bia Sài gòn Special để nói ngắn gọn về bạn mình: “Tuy bạn không cao nhưng vẫn khiến người khác phải ngước nhìn”.
Lâu nay báo chí làm về chân dung nghệ sĩ thường chọn cách phỏng vấn, vừa nhanh chóng, trực diện, lại có “bằng chứng”. Chỉ cần vài câu hỏi thọc mạch, vài cách đặt vấn đề biểu hiện sự sắc sảo, thế là nghệ sĩ tự bộc lộ hết về mình. Sau đó chọn một trong những ý đặc biệt nhất, sốc nhất làm tiêu đề, thế là xong một chân dung. Vẻ như dễ dàng, đơn điệu và ngon ăn quá, để vẽ chân dung một con người, nhất là chân dung một nghệ sĩ có ảnh hưởng trong xã hội. Giống như trong hội họa, vẽ chân dung đâu chỉ cứ dùng bút chì và ký họa?
Chính vì lý do này mà tôi nhận lời cầm bút “vẽ” bạn mình: Quốc Trung - người bạn thân đến mức không biết nên viết gì trong khuôn khổ một bài báo. Và tất nhiên dù thân đến đâu, bài viết cũng chỉ là góc nhìn riêng của tôi về Trung.
Chính vì lý do này mà tôi nhận lời cầm bút “vẽ” bạn mình: Quốc Trung - người bạn thân đến mức không biết nên viết gì trong khuôn khổ một bài báo. Và tất nhiên dù thân đến đâu, bài viết cũng chỉ là góc nhìn riêng của tôi về Trung.
Trong bài phỏng vấn trước (cũng trên Đẹp) tôi nói đến sự nửa vời, đó không phải tôi nói về mình, mà là về thế hệ chúng tôi - những người trẻ được đào tạo trong cơ chế bao cấp, đam mê nghệ thuật và may mắn được nhà nước cho đi học tại các nước XHCN của thời kỳ khủng hoảng chính trị, xã hội. Vì vậy cái sự mở mang kiến thức trong học tập thời đấy phức tạp và phiến diện, có người học lõm bõm, người thì chẳng học được gì, chuyển nghề đi buôn hay kiếm sống bằng mọi cách.
Trung cũng vậy, qua Bulgary trong thời loạn lạc, học về nhạc nhẹ, nhạc Jazz ở một quốc gia nghèo trong khối XHCN, đối diện với những sự kiện xã hội phức tạp, đôi khi nguy hiểm tới tính mạng, bị đánh đồng với những người Việt đi lao động, chịu sự kỳ thị của người bản xứ, kiếm tiền bằng chơi nhạc trong đám cưới… - Tất cả sinh viên chúng tôi đều như vậy, đặc biệt là những sinh viên học nhạc. Một số đã lựa chọn cách “tuột xích” ở lại nước ngoài, còn Trung thì về nước sau hai năm giang dở…
Thủ lĩnh
Năm 1992, chúng tôi gặp nhau lần đầu tiên tại Moscow. Tôi học ở đó, còn Trung cùng ban nhạc Phương Đông qua biểu diễn. Ấn tượng bởi một chàng trai nhỏ người nhưng làm thủ lĩnh, linh hồn của ban nhạc, và cũng là người lo hết mọi việc về tổ chức, điều hành biểu diễn, thu âm.... Hồi đó Trung nhiều tóc hơn bây giờ. Trong lúc bận bịu, có cơ hội nào là Trung lại điện thoại về Việt Nam cho một nàng nào đó với vẻ hết sức trìu mến. Sau này tôi mới biết đó là Thanh Lam.
Trước đó tôi biết rất ít về nhạc nhẹ Việt Nam, khi gặp Phương Đông của Trung, nghe Mỹ Hạnh và Thùy Dung hát, tôi ngạc nhiên vì độ “văn minh” trong các bản nhạc của Thanh Tùng, Dương Thụ và cả cách phối khí rất Tây của Quốc Trung. Có lẽ chính Trung cũng không biết ngoài việc quay video clip bài “Vĩnh biệt mùa hè” (clip chuyên nghiệp nhưng thô sơ đầu tiên trong sự nghiệp “ca nhạc” của tôi), việc gặp ban nhạc Phương Đông tại Liên Xô làm tôi quyết định dấn thân vào một lĩnh vực mới mẻ mà giờ đây đang là chủ lực của tôi: làm đạo diễn ca nhạc. Tất nhiên vì quen Trung nên Thanh Lam là một trong những nạn nhân đầu tiên bị làm “người mẫu hát nhép” cho video clip của tôi. Giai đoạn này, Quốc Trung giới thiệu với tôi một người có ảnh hường nhiều đến đời sống âm nhạc của Trung và Lam thời đó: Nhạc sĩ Dương Thụ.
Có thể nói Phương Đông là ban nhạc “văn minh” nhất thời gian đó, và có lẽ đến bây giờ cũng khó có thể tụ tập được nhiều cao thủ trong một nhóm nhạc với hai cây Sax “hàng khủng” đứng cạnh nhau: thầy trò Quyền Văn Minh và Trần Mạnh Tuấn, sau này còn Hà An và Thanh Phương…Tất cả đều đã thành “sao”. Thế mới biết khả năng phát hiện và ảnh hưởng của Trung trong vai trò thủ lĩnh và thu phục người tài!
Sau này trong mọi show diễn của chúng tôi, cách Trung sắp xếp công việc khoa học và nhẹ nhàng, không ầm ĩ, chứng tỏ một tư duy có hệ thống và những kiến thức có được do kinh nghiệm “chinh chiến” từ những ngày tham gia các ban nhạc, trong đó điển hình là band Sông Hồng tiếng tăm một thời mà anh bạn người Đức Immer của Trung là chủ xị, và cả những chuyến đi nước ngoài biểu diễn liên miên sau này.
Thế mà cũng có rất nhiều người bảo bạn tôi lười và hay sai hẹn. Tôi biết lý do tại sao như vậy và tại sao không phải như vậy.
Jazz
Suốt thời gian dài sau này về Việt Nam, tôi cứ ra Hà Nội là tới nghe Trung cùng Phương Đông chơi Jazz ở các quán Bar. Chơi để kiếm tiền, nhưng thực ra để thỏa mãn đam mê của mình. Lúc đó tôi có cảm tưởng Jazz đã ngấm vào máu của Trung, mặc dù thứ nhạc này quá khó và không phù hợp với sở thích cũng như tâm lý của số đông người Việt. Trung chơi jazz cả khi Phương Đông không còn nguyên vẹn và tan rã, và rồi “Thiện Thanh” ra đời như một sự tổng kết, một tác phẩm chung của Quốc Trung và Phương Đông, có thể là cả cảm hứng trong sự kết hợp của Trung và Lam - đứa con đầu lòng của cặp đôi này - cùng tên Thiện Thanh ra đời...
Trước đó Trung có nói với tôi về sự bế tắc cũng như cái đích của con đường khi chọn jazz làm thể loại yêu thích của mình. Lúc đó chúng tôi mới có khái niệm mơ hồ về thị trường và hiểu rõ mâu thuẫn: chơi Jazz chủ yếu cho “khoai Tây” nghe, mà cũng chỉ nghe tạm lúc xa nhà, chứ không thể lên được đỉnh hay mang jazz ra thế giới. Ban nhạc Phương Đông tồn tại ngoài việc chơi ở các quán bar cũng chỉ có dịp thể hiện khả năng Pop trong những live show của Thanh Lam như “Cho em một ngày” hay “Em và tôi” - những show diễn đến tận bây giờ vẫn là tiêu biểu cho Showbiz Việt về tính chuyên nghiệp và hấp dẫn. Trong những show diễn đó, biến tấu của jazz - đặc sản của band Phương Đông là không thể thiếu. Ban nhạc cũng hay thu âm cho những album của Thanh Lam với nhiều thể nghiệm của Trung, như nhạc sĩ phối khí và cả sáng tác với tất cả đam mê âm nhạc và tình yêu trong đó.
Cứ như vậy cho đến khi nghe Trung vào làm tại Viện Âm Nhạc, nơi có phòng thu tạm thời “hiện đại” để Trung phá phách thể nghiệm, đồng thời có ngay một kho tư liệu lớn về nhạc dân tộc Việt nam.
“Đường xa vạn dặm”
Một trong những điều kỳ diệu khi nghe nhạc Jazz là tính ngẫu hứng của từng nhạc công, nhưng có nguyên tắc chung kết nối toàn band: không bao giờ lỗi nhịp. Thế mà trong cuộc sống Trung và Lam đã lỗi nhịp, để lại sự tiếc nuối và ngẩn ngơ cho bạn bè thân thiết, trong đó có tôi.
Bẵng đi một thời gian Trung miệt mài trong phòng thu của Viện Âm nhạc, đến một hôm Trung gửi tôi nghe bản demo thật đặc biệt, một bản mix nhạc dân tộc trộn trong phong cách world music: “Lưu lạc” và “Đào liễu”. Nghe tiếng hát của cô Thanh Hoài và Xuân Diệu trên nền nhạc của Trung, tôi sởn da gà…
Sau đó dự án “Đường xa vạn dặm” hoàn thành và ra mắt tại nhà hát thành phố. Chẳng có kinh phí, tôi bay ra giúp Trung lọ mọ dàn dựng. Chương trình thành công đến nghẹn ngào và sốc. Ai thích hoặc không thích cũng là chuyện thường. Đi sâu vào phân tích thể loại hay sáng tác là những việc làm của lý trí, trong khi âm nhạc cần cảm xúc. Tôi hiểu con đường ra thế giới đã mở ra trước mặt Trung. Dường như Thượng đế rất công bằng khi bù đắp những khổ đau và mất mát, biến chúng thành năng lượng sáng tạo cho Trung. Từ show diễn này tôi biết thêm một nhân vật thú vị trong vai trò trình diễn đàn bầu: Hồ Hoài Anh.
Sau đó là những chuyến lưu diễn liên miên của “Đường xa vạn dặm” ra thế giới, trong đó tôi tham gia dàn dựng tại Nhật Bản cho Hoàng gia Nhật và quan khách. Trong buổi diễn, có nhiều người nghe đã rơi lệ… - Đó là sức mạnh của âm nhạc. Và Trung đã thành công!
Khi sự kiện hội nghị APEC diễn ra tại Việt Nam, Tp HCM và Sở VHTT được giao nhiệm vụ tổ chức chương trình Welcome Dinner cho các bộ trưởng trong APEC. Với tư cách đạo diễn, sự lựa chọn của tôi là “Đường xa vạn dặm”. Tôi được đồng thuận tối đa. Đêm diễn đã diễn ra thật tuyệt vời, và Quốc Trung cùng các nghệ sĩ lại tỏa sáng. Sau này còn nhiều lần tỏa sáng trên các sân khấu châu Âu.
Nhạc phim & ca khúc
Nếu không có Lam thì không biết Trung có thành nhạc sĩ viết ca khúc hay không? Chỉ biết rắng số lượng ca khúc vốn ít ỏi của Trung hầu hết viết để Lam hát hoặc về tình cảm của Trung dành cho Lam, mà quen thuộc nhất với khán giả có lẽ vẫn là “Đố tình”. Sau này Trung viết “Con chim sâu” cho Hồng Nhung, một giai điệu cảm hứng từ núi rừng Tây Bắc. Và rồi những dự án cho Tùng Dương, Hồng Nhung…Nhưng dường như không bao giờ hoàn thành được. Có vẻ Trung không có hứng làm theo đặt hàng?
Khi chơi với nhau lâu thì có nhiều thứ sẽ trở thành “đầu tiên”. Khi làm phim “Chiếc chìa khóa vàng” với Lê Hoàng, tôi đã cố thuyết phục anh Hoàng để Trung viết nhạc cho phim này. Với chỉ ca khúc “Gọi anh” của Dương Thụ, Trung đã biến hóa thành những cung bậc cảm xúc khác nhau cho phim theo kiểu rất “văn minh”. Đó cũng là phim nhựa đầu tiên Trung viết nhạc. Tôi thích nhạc phim đó mặc dù bộ phim công phu sớm chìm vào… kho tư liệu. Sau này khi đơn đặt hàng nhạc phim nhiều quá, Trung bắt đầu để ý đến chuyện viết một cách chuyên nghiệp hơn, nhưng với tôi, bài “Gọi anh” trong “Chiếc chìa khóa vàng” (sau này Trung và bố còn để nó vang lên trong đám tang người mẹ thân yêu) vẫn là bài nhạc phim xúc động nhất.
Bây giờ thì người ta đang xếp hàng đặt Trung viết nhạc phim, làm bạn tôi đôi khi lúng túng lựa chọn giữa tiền bạc và cảm hứng.
“Chồng, bố và người tình”
Có lẽ dù yêu nhiều đến đâu người ta cũng chỉ có một người để muốn lấy. Điều đó không chỉ cần tình yêu mà cả nhu cầu và trách nhiêm sống lâu dài. Lam và Trung là một cặp như vậy. Dù bây giờ họ đã chia tay, nhưng chắc không có ai làm Trung và Lam trở thành “chồng và vợ” đúng nghĩa như vậy. Tiếc là không phải ai cũng sinh ra để phù hợp với cuộc sống gia đình. Trung đã sẵn sàng nhưng có lẽ Lam thì chưa. Vì vậy mà họ đã không thể có một đám cưới cho mẹ Trung yên tâm trước khi ra đi. Đó là một trong những điều ân hận. Lý do thì nhiều nhưng gom lại chỉ một: Lệch nhịp.
Chia tay là do duyên số, nhưng làm bố là nghĩa vụ. Và khoản này Trung làm xuất sắc đáng ngạc nhiên. Từ cậu bé con một muốn gì được chiều nấy, nay nhìn Trung chăm sóc con hàng ngày và quan tâm chu đáo trong những chuyến xa nhà. Lo cho con hoc hành, ăn uống, thuốc thang... mới thấy thương và khâm phục Trung. Trung phải làm cả bố lẫn mẹ cho tụi nhóc. Làm với tất cả trách nhiêm, tình yêu, niềm vui và cả sự bất đắc dĩ.
Sau Lam, Trung mất cân bằng thật lâu. Mà cũng khó cân bằng được, mặc dù Trung viết: “…đã hết ngồi nhìn mãi bóng đêm…đã hết hờn giận hết nhớ thương…”, những vẫn phải sống, nuôi con và sáng tác. Trung có nhiều bạn gái. Người tài thì đương nhiên lắm cô quan tâm, với mọi nghĩa. Bạn gái của Trung phần nhiều đều rất cao, chân rất dài, mặc dù Trung có dáng người nhỏ bé. Có người cho rằng Trung thích hình thức bên ngoài, có người thì suy đoán Trung đi tìm sự tương phản. Tôi thì cho rằng đơn giản là Trung cần cảm xúc ở cái đẹp, để từ đó gợi cảm hứng cho mình, cho nhạc, thậm chí cho thơ… Vì thế Trung chỉ là người tình. Trung cũng muốn tìm người làm thiên chức mẹ thực sự cho các con, thay thế cho mình để tập trung sáng tác, tập trung làm bố, làm đàn ông, nhưng riêng chuyện đó thì Trung hiểu không thể chỉ bằng cảm hứng, mà cần cả lý trí, vì không thể lỡ nhịp lần nữa.
Tất cả những sự tương phản mà ai cũng có thể thấy ở Trung như: Mạnh mẽ và yếu đuối, chăm chỉ và lười biếng, nồng nhiệt và lặng lẽ, chính xác và lỡ hẹn, đa dạng và chuyên sâu… đều có thể dùng để nói về Quốc Trung. Tuy nhiên dù Trung không phải người nghiện uống bia nhưng tôi vẫn thích dùng câu slogan của bia Sài gòn Special để nói ngắn gọn về bạn mình: “Tuy bạn không cao nhưng vẫn khiến người khác phải ngước nhìn”.
Đạo diễn Phạm Hoàng Nam
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét