‘Chia tay hoàng hôn’ khắc tên Thuận Yến vào thời gian
Bài hát viết năm 1968 tạo nên một "cuộc
chia tay bất hủ" trong âm nhạc Thuận Yến, và là mối duyên tiền định với
giọng hát Thanh Lam - con gái đầu lòng của ông.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt nhất, bên cạnh dòng âm nhạc chủ đạo chính thống với những Lá đỏ (Nguyễn Đình Thi), Tình ca (Hoàng Việt), Bài ca hy vọng
(Văn Ký) vẫn có những dòng ngầm (underground) với những sáng tác gửi
gắm nỗi niềm riêng, khác với tinh thần chiến đấu và cảm hứng ngợi ca
thời đại. Chia tay hoàng hôn của nhạc sĩ Thuận Yến là một trong những ca khúc ra đời như thế.
|
Gia đình nhạc sĩ Thuận Yến. Ảnh: st.
|
Bài hát được viết năm 1968, khi hai vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến phải
chia tay giữa chiến trường Quảng Trị để nghệ sĩ Thanh Hương (vợ ông) trở
về điều trị bệnh khớp. Cuộc chia tay không chắc có ngày gặp lại diễn ra
trong đầm đìa nước mắt. Nhạc sĩ Thuận Yến trong hoàn cảnh ấy đã nhớ đến
những câu thơ của nhà thơ Hoài Vũ, để sau đó chấp bút viết nên “cuộc
chia tay bất hủ” trong âm nhạc:
“…Anh phải về thôi xa em thôi
Hoàng hôn yên lặng cũng theo về
Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc
Mà lời từ biệt chẳng lên môi…”
Hoàng hôn yên lặng cũng theo về
Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc
Mà lời từ biệt chẳng lên môi…”
Phải sống trong những năm tháng khói bom lửa đạn ấy mới hiểu, một cuộc
chia tay đối với đôi lứa yêu nhau nhiều ám ảnh và dằn vặt đến thế nào.
Không chỉ Hoài Vũ hay Thuận Yến, Lưu Quang Vũ cũng từng dứt áo ra đi đầy
dằn vặt : “Thôi đưa nhau đừng nhìn theo anh. Nước mắt đừng ướt buổi
chiều xanh”, Nguyễn Mỹ cũng từng xé lòng viết thành thơ với “cuộc chia
ly màu đỏ”: “Tôi nhìn thấy một cô áo đỏ. Tiễn đưa chồng trong nắng vườn
hoa”.
Những cảm xúc ủy mị, yếu đuối của những cuộc chia ly này đặt trong bối
cảnh chung của một thời đại anh hùng có thể sẽ trở nên lạc điệu, thậm
chí bị coi là “lãng mạn tiểu tư sản” và khó có thể phổ biến công khai.
Tuy nhiên, thời gian mới chính là câu trả lời xác đáng nhất cho những
tác phẩm ấy.
Nhạc sĩ Thuận Yến và con gái - diva Thanh Lam. Ảnh: st.
|
Câu chuyện về chiến tranh có thể sẽ qua đi. Chỉ có tình yêu tuổi trẻ mới chính là dòng chảy bất tận ở lại. Chia tay hoàng hôn theo
thời gian vẫn làm say lòng người yêu nhạc Việt cho đến ngày hôm nay,
đơn giản vì nó được nhạc sĩ Thuận Yến viết nên từ một câu chuyện thực,
một tình yêu chân thành.
Lời thơ giản dị như một lời thủ thỉ, giãi bày dường như trở nên tinh tế
và hoàn hảo hơn trong giai điệu tiết tấu chậm với cung trầm:
“…Anh phải về thôi xa em thôi
Hàng cây hò hẹn chỗ ta ngồi
Hoa khế rụng kín ngăn lối nhỏ
Để lòng ta xao xuyến bồi hồi…”
Hàng cây hò hẹn chỗ ta ngồi
Hoa khế rụng kín ngăn lối nhỏ
Để lòng ta xao xuyến bồi hồi…”
Chất thơ trữ tình, lãng mạn thấm đẫm trong mỗi ca từ, giai điệu đã trở
thành một nét riêng trong các ca khúc của Thuận Yến. Không nhiều ca khúc
trữ tình Cách mạng giai đoạn này khiến người nghe phải dừng lại ở từng
câu, nhặt nhạnh từng chữ và lắng lòng với từng cung nhạc như bài hát khó
quên này. Giữa cuộc chiến cam go, khốc liệt, chất thi vị hòa quyện hoàn
hảo trong cả nhạc và lời của Chia tay hoàng hôn dễ khiến người
ta liên tưởng đến một ngôi sao rơi nhầm bầu trời. Đằng sau tiếng súng,
tiếng bom vẫn là những “trái tim thắp lửa”, “một nửa vầng trăng” soi tỏ
và sưởi ấm tình yêu đôi lứa. Mọi điều có lẽ chỉ thi vị đến thế là cùng.
Tuy nhiên, Chia tay hoàng hôn chưa phải là tất cả những gì vị
nhạc sĩ tài hoa mang đến cuộc đời vào thời điểm ấy. Sau này nhạc sĩ mới
biết, cùng lúc bài hát này ra đời, vợ ông – nghệ sĩ Thanh Hương đã mang
trong mình đứa con đầu lòng mà sau này sẽ trở thành một tri kỷ trong âm
nhạc của ông – nữ ca sĩ Thanh Lam. Và như một mối duyên trời định, Chia tay hoàng hôn dường như được viết để dành cho Thanh Lam. Mặc dù ca khúc cô yêu thích nhất của cha là Em tôi nhưng Chia tay hoàng hôn mới thực là ca khúc mà ở đó Thanh Lam “gần” Thuận Yến nhất.
Điều đặc biệt là khi thể hiện ca khúc này, Thanh Lam dường như chưa
biết đến câu chuyện về “người em” ra đời cùng năm với mình như cách nhạc
sĩ Thuận Yến nói về Chia tay hoàng hôn. Cô chỉ đơn giản hát
bài hát này bằng những trải nghiệm tình cảm của bản thân, bằng những
rung động khi cô đặt tay lên trái tim mình và nghe thấy.
Thanh Lam là "linh hồn" của bài hát "Chia tay hoàng hôn". Ảnh: st.
|
Nồng nàn ở những đoạn dạo đầu chậm rãi, thủ thỉ nhưng cũng đầy dữ dội ở
những đoạn cao trào, rồi mãnh liệt về sau: “Chia tay em chia tay hoàng
hôn, chia tay em chia tay hoàng hôn”, Thanh Lam thực sự đốt cháy trái
tim khán giả bằng tình yêu và nội lực mà cô phần nào thừa hưởng từ cha
mình.
Gần nửa thế kỷ qua, Chia tay hoàng hôn vẫn được nhiều thế hệ
ca sĩ Việt Nam như Elvis Phương, Đàm Vĩnh Hưng, Tùng Dương... thể hiện.
Tuy nhiên, chưa có ca sĩ nào vượt qua được “cái bóng” của diva Thanh Lam
với ca khúc để đời này của cha cô.
Nói về ca khúc này, nhạc sĩ Thuận Yến vẫn thường trầm ngâm: “Thế rồi
bao lần chia tay nữa, cuộc chia tay của những nhớ thương, trông đợi, của
những giây phút gặp lại ngắn ngủi và thiêng liêng...”.
Đó là những cuộc chia tay trong ký ức. Giờ đây, vị nhạc sĩ tài hoa của
chúng ta đã chính thức “chia tay” thực sự với cuộc đời trong niềm tiếc
thương vô hạn của những người luôn yêu mến, kính trọng ông.
Anh Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét