8 24, 2013 8:11 am
"Divas" Vietnam ở Hải NgoạiLâu lắm mới có dịp mua vé đi nghe chương trình nhạc thính phòng Hát Cho Tình Yêu 17 do Ritz Entertainment tổ chức ở Long Beach Performing Art Center.
Ở hải ngoại, và riêng tại vùng đông người Việt Nam nhất này, theo giải thích của anh bạn đi cùng thì hiện nay chỉ có 2 trung tâm thường tổ chức nhạc thính phòng là Ritz Entertainment và D&D Entertainment. Nhưng so với D&D Entertainment thì Ritz Entertainment thường tổ chức các chương trình nhạc thính phòng với qui mô lớn hơn về phương diện sân khấu, ban nhạc, và thành phần ca sĩ.
Do vậy mà không có gì ngạc nhiên khi chương trình Hát Cho Tình Yêu 17 khá dài: khoảng trên 5 tiếng đồng hồ. Chương trình cũng tập hợp được phần lớn các ngôi sao ca nhạc pop ở trong và ngoài nước. Không kể ban nhạc có các nhạc sĩ nổi tiếng như Hoàng Thi Thi (piano), Hoàng Công Luận (violin), Trung Nghĩa (guitar), Hồng Kiên (saxophone), v.v., dàn ca sĩ có Thanh Lam, Trần Thu Hà, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Lam Anh, Đon Hồ, Ý Lan, Quang Dũng, Bằng Kiều, Nguyễn Hồng Nhung và Lâm Nhật Tiến. Do chương trình dài, ca sĩ đông, nên mỗi người chỉ hát khoảng 3 bài, trong đó đặc biệt hầu hết mỗi ca sĩ đều có phần song ca với ca sĩ kế tiếp.
Theo poster, thì toàn bộ chương trình sẽ giới thiệu các tác phẩm của 12 nhạc sĩ Việt Nam ở trong và ngoài nước: Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trúc Hồ, Anh Bằng, Trần Thiện Thanh, Ngô Thụy Miên, Trần Tiến, Vũ Thành An, Nguyễn Ánh Chín, Phú Quang, Từ Công Phụng, và Diệu Hương. Thật ra, chương trình có ca khúc của 14 nhạc sĩ, vì dù không được giới thiệu bởi MC, vẫn cần kể thêm phần song ca của Thanh Lam và Ý Lan qua hai nhạc phẩm của hai tác giả trong nước: Thuận Yến và Trọng Đài.
Sân khấu của Long Beach Convention Center thật hoành tráng và lộng lẫy với hệ thống âm thanh và ánh sáng thật tân kỳ. Khoảng gần 2,000 khán giả ngồi đầy kín thính đường đã làm người viết phải khâm phục tinh thần thưởng thức nhạc Việt của người Việt hải ngoại nói chung và của cộng đồng người Việt ở quanh vùng Los Angeles và quận Cam nói riêng.
Hình: Poster của chương trình Hát Cho Tình Yêu 17
Là một chương trình thính phòng đứng đầu ở hải ngoại, chương trình Hát Cho Tình Yêu 17 đã có những điều đáng yêu nhưng vẫn có nhiều điều phải trăn trở.
Để làm vừa lòng 2000 khán giả với 2000 “khẩu vị” âm nhạc khác nhau, đã không dễ dàng cho nhà tổ chức khi tìm cách cân đối chương trình. Và phương án “hạ cánh an toàn” nhất cho nhà tổ chức là sự chọn lựa những dòng nhạc đã rất quen thuộc. Thật ra họ đã cố gắng kết hợp thêm các ca khúc của Trúc Hồ và Trần Thiện Thanh vào chương trình nhạc “thính phòng” vừa qua. Nhưng cho dù có thêm 2 tác giả mới, người nghe vẫn thấy thiếu vắng những ca khúc Việt viết cho trình độ trình tấu cao. Trên một sân chơi âm nhạc như thế, rõ ràng là nhà tổ chức vẫn chưa dám liều lĩnh giới thiệu những bài hát có giai điệu mới, tiết tấu lạ, cách thể hiện đặc biệt, và hòa âm mới.
Xuyên suốt một chương trình với khoảng 40 ca khúc, chỉ có bài “Quán Bên Đường” do Ý Lan trình bày là có thể được xem như là một sự thể nghiệm, một cách tân. Điều đáng lưu ý rằng Quán Bên Đường không là một bài hát mới vì Phạm Duy đã phổ nhạc khá lâu, dựa trên bài thơ “Cuộc Đời” của Minh Phẩm. Nhưng so với các ca khúc khác thì Quán Bên Đường có một ngôn ngữ âm nhạc lạ lùng, khó hát, khó đàn, khó nghe. Chỉ đáng tiếc rằng, khi thể hiện tác phẩm này, Ý Lan đã kịch tính hóa quá mức cần thiết. Cô đã diễn nhiều hơn hát nên Quán Bên Đường đã không gây được ấn tượng về mặt âm nhạc.
Khác với các chương trình thính phòng của các năm trước, thay vì chỉ thuần túy hát đơn ca, gần đây người ta thường thấy xuất hiện nhiều tiết mục song ca, tam ca, và cả “tập thể ca”. Và trong khoảng 12 bài song ca và “tập thể ca” ở chương trình qua, có thể nói tiết mục của Thanh Lam – Ý Lan với hai ca khúc Em Tôi (nhạc và lời của Thuận Yến) và Chị Tôi (Thơ của Đoàn Thị Tảo, nhạc của Trọng Đài) là được khán giả nồng nhiệt ủng hộ nhất.
Nhưng có lẽ khán giả ái mộ chính hai bài hát và Thanh Lam hơn, vì thật sự Ý Lan đã không thành công khi hát song ca với Thanh Lam. Em Tôi và Chị Tôi là hai ca khúc mang đậm âm hưởng dân ca Việt Nam. Hai bài hát này đòi hỏi người ca sĩ phải hát luyến và láy khá nhiều. Ý Lan và Thanh Lam là hai ca sĩ có nhiều thành công trong việc hát những ca khúc Việt mang âm hưởng dân ca. Và sự chọn lựa hai bài hát này là một sự chọn lựa thông minh cho sở trường của ca sĩ. Tuy nhiên, khi song ca cùng Thanh Lam, Ý Lan đã một lần nữa “gào” và “thét” nhiều hơn là “hát” thật sự. “Em Tôi” và “Chị Tôi” không “bị đau đớn” để được diễn tả như vậy. Mặt khác, hát song ca những ca khúc mang âm hưởng dân ca không phải dễ bởi vì những nét luyến láy đặc biệt của dân nhạc Việt. May thay, Thanh Lam đã cứu thành công hai bài hát này qua việc phụ họa với Ý Lan bằng những luyến láy hoa mỹ và kỹ thuật hát “đổ hột” – một kỹ thuật hát đặc biệt của dân nhạc Việt Nam.
Khác hẳn với một Thanh Lam đến với quận Cam vào khoảng hơn thập niên về trước, lần này Hát Cho Tình Yêu 17 có một Thanh Lam thật sự chín muồi về giọng hát, kỹ thuật và phong cách biểu diễn. Thanh Lam đã biết tiết chế cảm xúc, và rất kiệm lời trên sân khấu.
Trong một không gian âm nhạc hợp lý, với tiếng đàn violin da diết, điêu luyện của nhạc sĩ Hoàng Công Luận cùng với tiếng dương cầm du dương khắc khoải của nhạc trưởng Hoàng Thi Thi, nỗi “Cô Đơn” của Nguyễn Ánh Chín đã được chia sẻ bởi Thanh Lam và hàng ngàn con tim trong thính đường.
Để rồi sang bài hát kế tiếp, cho dù có tiết chế cảm xúc, Thanh Lam cũng đã thực sự nhập cuộc và “lên đồng” với tiếng kèn saxophone của nhạc sĩ Hồng Kiên qua “Buồn Ơi, Ta Xin Chào Mi” của Nguyễn Ánh Chín. Từ đó khán giả đã cùng hát để chia tay những nỗi buồn với Thanh Lam. Một sự kiện ít thấy trong các chương trình nhạc thính phòng.
Ngoài Thanh Lam, những ngôi sao trong đêm còn có một Lam Anh trẻ trung, trang phục xinh xắn, có giọng hát chưa chinh phục nhưng có rất nhiều triển vọng.
Không ăn mặc diêm dúa và phản cảm như Nguyễn Hồng Nhung, ca sĩ Mỹ Linh đã gây thiện cảm trong trang phục với áo dài trắng Việt Nam, giản dị nhưng lịch sự. Chỉ tiếc lần này Mỹ Linh không tạo ấn tượng nhiều với các ca khúc Điều Giản Dị và Romance 1 của Phú Quang. Nhưng điều đáng khen ngợi nhất là Mỹ Linh đã không quên trân trọng giới thiệu hai thi sĩ Phạm Thị Ngọc Liên và Ý Nhi mà Phú Quang đã sử dụng thơ để phổ. Tuy nhiên, Mỹ Linh hơi quá đà trong việc khuyên khán giả hải ngoại nên giữ gìn tiếng Việt cho con em mình. Bởi vì, hơn hai ngàn khán giả ngồi đó là những người rất yêu quí tiếng Việt và nhạc Việt , trong khi ở Việt Nam hiện nay, việc hát nhạc ngoại lại rất phổ biến trong nhiều cuộc thi mà trớ trêu thay, chính Mỹ Linh lại nằm trong ban giám khảo!
Và trong lúc Mỹ Linh tỏ ra trân trọng với các nhà thơ, thì người bạn của cô là Bằng Kiều lại quên hẳn việc giới thiệu thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, tác giả bài thơ mà Vũ Thành An đã phổ cho ca khúc Tình Khúc Thứ Nhất mà anh trình bày. Ngạc nhiên hơn nữa là phần đệm bài hát này rất lỏng lẻo, có vẻ như thiếu sự chuẩn bị. Khán giả có cảm giác như đang nghe Bằng Kiều hát trong các chương trình “hát cho nhau nghe” vậy.
Nhưng điều đáng trăn trở nhất nên dành cho tiết mục cuối cùng trong Hát Cho Tình Yêu 17 của các “divas” nền nhạc pop Việt Nam hiện nay.
Diva là danh hiệu cao quí dành cho các ca sĩ trên sân khấu opera. Nhưng không hiểu tự khi nào, và dựa trên những tiêu chuẩn nào mà ở Việt Nam lại xuất hiện tước hiệu này cho một số nữ ca sĩ nhạc pop bên cạnh danh hiệu “nghệ sĩ ưu tú” hay “nghệ sĩ nhân dân” của chính quyền. Khi MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên trân trọng giới thiệu phần trình diễn đặc biệt của 6 divas, thì khán giả đếm lại và thấy chỉ còn có 5 ca sĩ tuần tự bước ra hát Gọi Tên Bốn Mùa của Trịnh Công Sơn: Thanh Lam, Trần Thu Hà, Mỹ Linh, Khánh Hà, và Hồng Nhung. Có lẽ một diva nào đó trong số các ca sĩ sau đây đã bỏ về nhà để nghỉ ngơi: Ý Lan, Lam Anh, và Nguyễn Hồng Nhung.
Nếu ban nhạc Hoàng Thi Thi trong chương trình này đã diễn liên tục trên 5 tiếng đồng hồ mà vẫn nhịp nhàng và đồng điệu cho đến giờ phút cuối, thì tiết mục của các divas Việt Nam này là một sự thất bại lớn về sự kết hợp, kỹ thuật hát, phong cách trình diễn, và cả tính kỷ luật sân khấu.
Khán giả tự hỏi, vì đâu mà chúng ta lại có một nhóm divas Việt Nam lên sân khấu “hát cộng đồng” như vậy? Nhưng dù có hát cộng đồng, thì ít nhất người hát cũng cần biết hát đúng lời ca và hát chung với nhau một cách nhịp nhàng, đúng nhạc đúng điệu. Ngược lại, trong một tiết mục tưởng như được “saved the best for the last” đó, thì các nữ ca sĩ hàng đầu Việt Nam nhận cát xê ngất ngưởng để quên lời ca, hát sai bè, ca đâm nhịp với một bài hát không đòi hỏi kỹ thuật hát cao siêu!
Rõ ràng là, các divas Việt Nam đã không nghiêm túc trong việc luyện tập trước khi lên sân khấu. Hay nói cách khác, đây là động thái của việc xem thường khán giả và ban tổ chức biểu diễn trong một chương trình thính phòng hoành tráng và nhiều công phu như vậy!
Khác với sự chuệch choạc của các divas Việt Nam, như đã nói ở trên, ban nhạc Hoàng Thi Thi đã chơi hết sức ăn ý với nhau. Ban tổ chức có vẻ đã chịu khó “đầu tư” thêm cho ban nhạc. Họ đã mời được nhạc sĩ Hồng Kiên, một trong những cây kèn saxophone hàng đầu từ Việt Nam đến. Bên cạnh cây đàn violin số 1 Hoàng Công Luận, họ cũng đã có thêm được cây đàn violin số 2: Khắc Quân. Chỉ tiếc rằng dàn dây và dàn kèn còn quá mỏng, thiếu hẳn bóng dáng của một dàn string gồm violin, viola, cello v.v. hoặc những tiếng kèn như trumpet, clarinet, oboe, v.v. như thường thấy trên các sân khấu lớn khác. Thiết tưởng chương trình cần cân đối thêm với những phần đệm chỉ gồm độc 1 cây guitar thùng, hoặc vài nhạc cụ cần thiết, thay vì chơi toàn ban. Điều này không những tạo những điểm nhấn và màu sắc độc đáo cho toàn bộ chương trình mà còn để ban nhạc có những giờ phút nghỉ ngơi cần thiết trong một chương trình quá dài như vậy.
Nhìn chung, cho dù vẫn còn nhiều trăn trở và còn những điều cần hoàn thiện hơn, chương trình Hát Cho Tình Yêu 17 vừa qua đã có những điều đáng yêu, đáng quí. Người viết vẫn ước mong sẽ đi nghe và đi xem Hát Cho Tình Yêu trong một dịp gần nhất.
Đông Hà
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét