Chuyện của Đỗ Bảo, chuyện của chúng ta
Đăng ngày Thứ hai 09/12/2013 10:540
Sau
Hà Trần với câu chuyện về mặt trời; Thanh Lam kể với khán giả câu
chuyện về mây. Bài hát Đỗ Bảo viết tặng vợ, tên Vân, vốn gắn với tiếng
hát Tùng Dương, nhưng lần này Thanh Lam hát với tâm thế của người phụ nữ. “Mong mây thấy sự thật về tình yêu…” và sự thật là Thanh Lam đã hát rất tuyệt vời. Sự tuyệt vời của Thanh Lam thể hiện rõ hơn khi cô song ca với Hà Trần. Ca khúc “Đỉnh núi lãng quên” cũng
từng được Tùng Dương trình diễn khiến không ít khán giả phát “sốt”. Hai
cá tính âm nhạc hoà quyện, nâng đỡ, gắn kết với nhau trong một bài hát
khó, cá tính, mạnh mẽ, ngỡ như không ăn nhập với những bài hát “rất đỗi
hiền lành” của “người hiền” Đỗ Bảo.
|
Có người đàn ông nào như Đỗ Bảo, 15 năm, tức là tới khi tổ chức đêm nhạc lớn riêng mới tự đi mua, đi may cho mình bộ quần áo! Cứ như thể, cả quãng thì giờ đằng đẵng ấy anh chỉ dành sáng tác nhạc, tạo nên những “Cánh cung” và kể “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta”.
Chuyện này được ca sĩ Tấn Minh tiết lộ và Đỗ Bảo lúng túng xác nhận trong chương trình “Đỗ Bảo – Cánh cung – Live in Hanoi” kéo dài hơn 3 giờ, vào tối 8/12/2013.
Đỗ Bảo và Lê Hiếu trong đêm nhạc
Không “shopping” chẳng phải do Đỗ Bảo nghèo hay không có nhu cầu… mặc. Anh tích cóp được đủ tiền bạc để đầu tư cho những dự án âm nhạc riêng, lo cho gia đình nhỏ với con gái Chúc An, con trai Bình Chương. Chí ít, với những việc “tậu xe hơi, lấy vợ, làm nhà, sinh con” thì người đàn ông sinh năm 1978 đều hoàn thành đủ. Anh cũng không thiếu áo quần, bởi vợ mình sắm sửa cho hết. Chỉ có điều, anh giản dị, không kiểu cách, không bận tâm chuyện bề ngoài.
Theo dõi đêm nhạc lớn trong đời của anh thì thấy Đỗ Bảo rõ giàu! Trước hết là giàu bạn nghề, bạn tâm giao.
Trần Thu Hà trong đêm nhạc
Từ khi ra album “Cánh cung 1” cách đây 10 năm, ca sĩ hát cho anh đã thuộc hàng “khủng”. Đến đêm nhạc này thì cả “hội đồng” ca sĩ có “chất” nhiệt tình hát vì anh, đó là Thanh Lam, Hà Trần, Tấn Minh, Hồ Quỳnh Hương, Lê Hiếu, Ngọc Anh, Khánh Linh.
Anh cũng là nhạc sĩ Việt Nam hiếm hoi làm thật, bán album thật. Đĩa nhạc đầu tay ròng rã chục năm vẫn nhiều người tìm mua. Đĩa mới nhất hết veo 2.000 bản sau vài ngày ra mắt, tái bản liền sau và có lẽ giờ đã chạm đến con số chục ngàn bản. Đáng nói là anh không họp báo giới thiệu album, không “làm PR” theo cách thông thường, chỉ rủ rỉ, tạo hiệu ứng lan truyền tự nhiên qua Facebook.
Thanh Lam trong đêm nhạc của Đỗ Bảo
Tiền bán “Cánh cung 3”, cũng là “Cánh cung” cuối cùng, có lời là chắc! Lợi nhuận đó Đỗ Bảo cũng trích ra mua được cây đàn piano mới như anh từng chia sẻ trên trang cá nhân và khoe lúc được “sung sướng chơi đàn” trong “live show” riêng.
Điều này đáng nói vì album mới và đêm nhạc riêng được tung ra và thực hiện cách nhau vài tháng. Mấy ai dám chắc trong thời nhạc “chùa”, nhạc “chợ” hiện giờ, đĩa nhạc bán được, đêm nhạc hết vé? Đỗ Bảo nói, anh cũng "đi trên dây”, nhưng anh cũng tin vào con đường của mình. Kết quả đã là những gì anh tin, chỉ có điều kết quả ấy vượt trên sự kỳ vọng, sự tưởng tượng.
Nói album vạn bản thì có thể có người còn nghi ngờ, kêu “làm quá”. Nhưng nói đêm nhạc ở Cung Hữu nghị đã thành công, để lại dấu ấn và khiến khán giả thoả nguyện thế nào thì rất rõ ràng. Không phải đêm nhạc hay nào cũng kín chỗ, nhưng đêm “Cánh cung” không còn một chỗ trống, nhiều người phải đứng. Giá vé chợ đen cao hơn giá vé thực tế (từ 500.000 VND đến 2.500.000 VND).
Tất nhiên không phải cứ đông khách, kín chỗ là đồng nghĩa với chương trình hay. Nhưng điều khẳng định được ở đây là tình cảm, sự mộ điệu của khán giả dành cho anh là có thật và họ kỳ vọng vào đêm nhạc “cháy vé” này. Tức là Đỗ Bảo gánh áp lực lớn. Người thích nhạc của anh đã nghe nát các album; nay “xem show”, “nghe live”, chẳng lẽ không có gì hơn, để đáng với giá vé không hề thấp?
Đỗ Bảo và cộng sự đã cho thấy cách họ làm nghề nghiêm túc, biết tôn trọng khán giả; bởi vậy, chương trình kéo dài quá 3 tiếng mà người xem vẫn đầy ắp. Có vài lỗi trong chương trình. Có lỗi khiến người kỹ tính khó chịu, như đến bài “Cánh buồm đỏ thắm”, Ngọc Anh, Lê Hiếu và nhạc sĩ phải chơi lại vì vào sai tông.
Một vài bài không hay lắm trong kho bài hát lớn của Đỗ Bảo được đưa vào theo kiểu “nói cho hết”, diễn đạt thông điệp qua âm nhạc cho tròn, chứ đáng lẽ có thể cắt đi. Chương trình kéo dài hơi vượt mức thông thường cũng làm nhiều khán giả thấy quá “no”, hơi lê thê, không còn thấy cảm giác được đắm mình trong âm nhạc như lúc đầu.
Còn để khen, để nhớ thì có rất nhiều. Đêm nhạc nói riêng và âm nhạc nói chung của Đỗ Bảo thực sự là chương trình để tìm đến và được nghe lâu, nghe nhiều. Âm thanh được thiết kế hợp lý, đã tai, cho dù ngồi ở vị trí nào trong khán phòng cũng có thể “bắt” được tiếng nhạc. Điều này có thể tiên đoán trước, bởi vì Đỗ Bảo là nhạc sĩ kỹ tính có đôi tai và có lẽ cả trái tim “nhạy âm”.
Gần 30 bài hát được các ca sĩ thể hiện là tiêu biểu cho sự nghiệp sáng tác ca khúc của nhạc sĩ viết những bức thư tình. Hồ Quỳnh Hương với “Ngày cuối tuần rực rỡ”, “Bài hát cho em” mang đến sự khởi đầu thật rộn ràng, giàu sức sống. Sự tiếp nối bằng “Bức thư tình thứ hai”, “Bức thư tình thứ tư” mang đến không khí và sự hứng khởi, hoà nhập cho khán giả có mặt. Kết thúc, Khánh Linh khép lại chương trình bằng việc mở ra “Thời gian để yêu” như hứa hẹn Đỗ Bảo cùng các ca sĩ sẽ còn gặp lại khán giả ở “những khung trời khác”.
Ca sĩ Khánh Linh
Những ca sĩ, bài hát đan xen với ca từ khi lãng mạn, mượt mà, khi trúc trắc, triết luận từng được khán giả biết tới qua chuỗi album “Cánh cung” đều mang đến sự hài lòng cho khán giả. Mỗi ca sĩ đều để lại ấn tượng riêng, nhưng những phần trình diễn đáng nhớ nhất là thuộc về Trần Thu Hà, Thanh Lam và Lê Hiếu.
Chưa khi nào Hà Trần hát hay như trong chương trình này. Cô được xếp xuất hiện thứ hai, bắt đầu với những bài cũ – mới đan xen, từ “Điều ngọt ngào nhất”, “Đôi giày lười” đến “Câu trả lời”… Trước hoặc sau mỗi ca khúc, Hà thường nói ngắn mà hay, như có sự chuẩn bị trước. Hà Trần cũng đương nhiên là ca sĩ được hát nhiều nhất, bởi ít ra cô cũng có album riêng cùng “bạn Bảo”.
Sau khi tung tăng, hâm nóng không khí với “Bài ca cây đàn”, kể câu chuyện của mình với bạn và cũng là “Chuyện của mặt trời, chuyện của chúng ta”, Hà Trần đã mang đến một trận mưa pháo tay với “Cầu vồng đêm mưa”. Cách hát, bản phối không mới, nhưng giọng hát quá đẹp, lối hát tinh tế của cô cùng những hình ảnh giàu mỹ cảm và tính biểu tượng mà Đỗ Bảo viết đã mang đến những cảm xúc ngẩn ngơ cho người có mặt.
Sau Hà Trần với câu chuyện về mặt trời; Thanh Lam kể với khán giả câu chuyện về mây. Bài hát Đỗ Bảo viết tặng vợ, tên Vân, vốn gắn với tiếng hát Tùng Dương, nhưng lần này Thanh Lam hát với tâm thế của người phụ nữ. “Mong mây thấy sự thật về tình yêu…” và sự thật là Thanh Lam đã hát rất tuyệt vời.
Sự tuyệt vời của Thanh Lam thể hiện rõ hơn khi cô song ca với Hà Trần. Ca khúc “Đỉnh núi lãng quên” cũng từng được Tùng Dương trình diễn khiến không ít khán giả phát “sốt”. Hai cá tính âm nhạc hoà quyện, nâng đỡ, gắn kết với nhau trong một bài hát khó, cá tính, mạnh mẽ, ngỡ như không ăn nhập với những bài hát “rất đỗi hiền lành” của “người hiền” Đỗ Bảo.
Còn Lê Hiếu, anh thật hợp với những dòng tự sự, suy tư trong âm nhạc của nhạc sĩ họ Đỗ. Chẳng cần lên gân, anh vẫn “thuỷ chung” với lối hát êm nhẹ, tình cảm để đến với “bài tủ” của Tấn Minh có câu “Anh đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ…”. Anh cũng thể hiện rất truyền cảm bài hát hiếm hoi được Đỗ Bảo phổ thơ của Trần Tuấn Anh là “Ru em”.
Những gì nhạc sĩ Đỗ Bảo cùng các ca sĩ thể hiện còn cho thấy sự nghiệp âm nhạc ngày càng đầy đặn, rõ ràng của Đỗ Bảo. Đó là vì anh biết gạt bỏ những nhu cầu thông thường, như chuyện áo quần, dành tâm huyết cho những “Mùa cây trổ lá”. Bài hát về mùa Xuân của nhạc sĩ viết về bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông đều hay khép lại một đêm nhạc đẹp, cũng đồng thời mang đến niềm tin về những câu chuyện có ý nghĩa còn tiếp tục được Đỗ Bảo gieo bằng âm nhạc.
Bài: Danh Anh
Ảnh: Kata
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét