Thứ Tư

THANH LAM - YÊU VÀ ÐAU

THANH LAM - YÊU VÀ ÐAU 

Hải Ninh (thực hiện). 

… Cả hai người đang đều là những người nổi tiếng. Họ đã yêu và đã vượt lên mọi trở ngại để đến với nhau. Nhưng chuyện xảy ra khá bất ngờ… Ngồi đối diện với Thanh Lam, tôi không biết phải vào đề như thế nào để tránh khơi gợi nỗi đau của chị, cũng may còn có âm nhạc… 


* Có lời đồn Thanh Lam và Quốc Trung chia tay nhau sẽ không còn làm việc với nhau? 

- Thanh Lam : Phối cho Thanh Lam hát, Quốc Trung tha hồ phóng tay, không sợ ca sĩ gặp khó khăn khi thể hiện và ngược lại, bản phối của Quốc Trung càng kích thích Thanh Lam tha hồ diễn cảm mọi kỹ thuật. Album Mây trắng bay về là một bằng chứng. Có thể chúng tôi không còn yêu nhau, nhưng vẫn là bạn, đồng nghiệp. Cái chúng tôi đang và sẽ làm là niềm tự hào cho hai con sau này. 


* Khi “hai đỉnh cao” làm việc với nhau thì Thanh Lam và Quốc Trung ai bị thua thiệt? 

- Thanh Lam : không ai bị thua thiệt trong nghệ thuật. Mỗi khi chúng tôi đụng độ nghĩa là tranh luận, không có kẻ thắng người thua. Nhiều bản phối Quốc Trung vẫn tôn trọng ý tưởng của tôi để phù hợp giọng hát, bản phối hay hơn. 

* Nhiều bài báo đã không thông tin lý do tại sao hai người chia tay, và Quốc Trung cũng đã nói về Thanh Lam, còn Thanh Lam... 

- Thanh Lam : Lam cho rằng im lặng là tốt nhất, dù sao tôi là mẹ của hai con, Quốc Trung cũng là bố của chúng. Lam có buồn đôi điều về phát biểu của anh ấy, tôi sẽ giữ lại các bài báo và ghi nhật ký để các con sau này biết về cuộc sống của bố mẹ. Im lặng cho Lam cảm giác thanh bình. 

* Nhiều người lên án việc Thanh Lam để hai con cho ông nội nuôi? 

- Thanh Lam : Nhìn hai đứa nhỏ líu lo như hai chim con, thương lắm. Bố mẹ đã có lỗi với chúng, sao lại còn phải chia cắt đứa theo cha, đứa theo mẹ. Nghề nghiệp của tôi đi nhiều, giải pháp nào thuận lợi nhất cuộc sống tình cảm hai con là tôi chấp nhận. Tôi muốn các con luôn hạnh phúc dù bố mẹ đã chia tay. Không đi hát, ngày nào tôi cũng đến thăm chúng. Thật ra, hụt hẫng lớn nhất trong tinh thần của tôi là thiếu hai con, dù có chúng trước mặt, rất gần. 

* Lúc buồn nhất Lam làm gì? 

- Thanh Lam : có lúc, nhiều người phát hiện ra tôi vừa hát vừa khóc, họ cho là thể hiện nhập tâm. Ðâu biết âm nhạc đã làm cho tôi đã khóc thật về cuộc đời mình. Khi một mình, để chống chọi nỗi buồn, tôi hay vẽ tranh, thích hát bài Em tôi do bố tôi (NS Thuận Yến) sáng tác hay Em đi bỏ mặc con đường (Trịnh Công Sơn). 

* Trong giới ai cũng biết Lam từng chơi rất thân với một đồng nghiệp, nhưng kết cuộc “tình bạn” để lại nỗi hãi hùng trong Lam? 

- Thanh Lam : một người bạn chơi thân giống như quan hệ giữa một người đàn ông và một người đàn bà, phải biết hy sinh. Bạn cho mình niềm tin, dám nói cả những điều không nói được với chồng. Lúc khó khăn, vui buồn chia sẻ. Chơi với nhau phải vị tha, chân thành. Theo Lam, bản chất giữa phụ nữ với nhau hay đố kỵ, nhưng đừng quá tham vọng để rồi phản bội lại bạn bè. Từ kinh nghiệm này, Lam bắt đầu đặt ra câu hỏi: Ðời con người có phải danh vọng là cái cần nhất không? Tất cả con người chúng ta sinh ra có nên vì danh vọng không? 

* Nhược điểm của Lam? 

- Thanh Lam : Quá tự tin, quá chân thật nên luôn gặp khó khăn. Có lúc Lam muốn thử sống giả dối một tí nhưng rồi thấy không nên, lại càng thương hại cho những người chẳng bao giờ dám sống thật với bạn bè, với những người bên cạnh. Những ai như thế thật bất hạnh. 

* Với trải nghiệm bấy lâu, Thanh Lam đã có thể định nghĩa được tình yêu? 

- Thanh Lam : sống hy sinh, hy sinh để được hạnh phúc, đó là yêu. Có điều thời gian qua nhìn lại mình cảm thấy thiệt thòi, đó là lỗi của tôi trong tình cảm. Nhưng tôi là vậy. 

* Sau 2 năm thử thách lớn nhất trong đời, nay Lam đã bình tâm, vậy còn lại điều gì? 

- Thanh Lam : sự chia tay có cái may và rủi. Lam nghĩ cuộc sống có điều mình muốn mà không làm được, có điều làm được mà không muốn. Quốc Trung nay đã có đời sống tình cảm riêng, Lam cũng vậy. Chúng tôi chỉ còn cái chung nhất ở con cái và nghệ thuật. 

*** Chúng tôi trao đổi với nhau hơn một giờ đồng hồ. Ngồi trước tôi Thanh Lam cứ uống nước liên tục để kiềm cảm xúc và trong từng ngụm nước ấy có cả nước mắt của mình. NS Dương Thụ đã từng “khuyên” Thanh Lam: “Trời cho mày đau khổ để hát hay, nếu khắc khoải mà đạt được đỉnh điểm nghệ thuật thì cũng nên đau khổ suốt đời. Lắm kẻ “muốn” mà không được. Nên bằng an như thế!”. Nhìn Thanh Lam cúi đầu bước đi, không hiểu tại sao tôi bỗng chợt nhớ đoạn cuối cùng trong tác phẩm Tiếng chim hót trong bụi mận gai của Colleen Mc Cullough: “Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên. Bản thân nó không biết sức mạnh nào buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng, đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết. Chúng ta hiểu. Tuy thế chúng ta vẫn lao vào. Sẽ mãi mãi như thế”. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét