11/12/2015 7:00 am
[Tạp chí ELLE - 12/2015] Giai đoạn Làn Sóng Xanh cực thịnh
(1997-2000) là lúc người nghe Việt đói những giọng ca đặc sắc, có bản
lĩnh và sức hấp dẫn riêng, không bàng bạc một màu như nhau.
Chính từ sự đói khát, thèm muốn rất hợp lòng người đó mà một
thế hệ tạm gọi là divas của âm nhạc Việt Nam đã sinh ra, cung ứng đúng
nhu cầu – chẳng những vậy còn đạt chất lượng cao. Họ là: Đoàn Thanh Lam
(1969), Lê Hồng Nhung (1970), Nguyễn Thu Phương (1972), Đỗ Mỹ Linh
(1975) và Trần Thu Hà (1977). Khoảng cách giữa người lớn nhất và nhỏ
tuổi nhất chỉ có 8 năm, và với chút thể tất, chúng ta thấy họ thuộc vào
lứa 7X.Chúng ta hãy dành chút thì giờ phân tích hoàn cảnh xã hội dẫn đến sự ra đời của các giọng hát ấy.
Thế hệ 7X trải qua tuổi thơ ấu vào lúc đất nước đã hòa bình, thống nhất, hoàn cảnh rất đáng mừng đó đã khiến thế hệ này hoàn toàn khác với những người lớn hơn, những danh ca thời chiến. Và hãy xem, những người như Thanh Lam, Hồng Nhung, Trần Thu Hà còn được kèm cặp rèn luyện bởi những bậc đàn anh có sức ảnh hưởng lớn, có mỹ học nghệ thuật đúng chuẩn: Thanh Lam chịu ảnh hưởng cha mình là nhạc sĩ Thuận Yến, được nhạc sĩ Thanh Tùng hướng dẫn; Hồng Nhung được đích thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dạy cách hát, cách đào sâu vào cảm xúc bản nhạc, thậm chí cả cách giao tiếp; Trần Thu Hà do cha mình là NSND Trần Hiếu và chú là nhạc sĩ Trần Tiến chỉ dạy. Một điều kiện quý như vậy, chẳng dễ gì có được.
Khi đã lớn khôn đôi chút, ở tuổi thiếu niên, năm người nữ kể trên còn rơi đúng vào điểm thiếu hụt một mặt bằng âm nhạc đại chúng thương mại, bởi vì âm nhạc Việt Nam khi ấy chỉ có ca khúc chính trị và những bài hát tiền chiến được phổ biến. Đang thiếu và rất thiếu một nền giải trí (ta hãy thống nhất rằng “giải trí” cần được hiểu một cách thiện chí) và cơn lốc nhạc Tây phương từ jazz đến pop tràn vào xứ ta chỉ làm được mỗi một chuyện là xới tung lên niềm khao khát được-như-vậy, được sống trong một nhịp sống văn nghệ ngang tầm thời đại, được trở thành những ngôi sao Pop theo mô hình phương Tây.
Như vậy, năm người nữ kể trên khác hoàn toàn những người đi trước họ; họ may mắn được khởi đầu cho một nguồn mạch mới, thỏa mãn cơn khát khao của chính họ và niềm trông đợi của công chúng. Có thể nói, họ là những ngôi sao đại chúng đầu tiên của nhạc Việt chúng ta.
Bản đồ hành trình âm nhạc của họ rõ nét, sáng đẹp và khá nhất quán. Thanh Lam trải qua ba thời kỳ Thanh Tùng, Quốc Trung và Lê Minh Sơn; Hồng Nhung thì Trịnh Công Sơn rồi Dương Thụ; Thu Phương với Duy Thái, Trần Quang Lộc rồi Việt Anh; Mỹ Linh đi từ Nguyễn Cường sang Anh Quân; Trần Thu Hà với Quốc Bảo rồi Ngọc Đại và Đỗ Bảo.
Phong cách âm nhạc dẫu có khác đi đôi chút từ giai đoạn này sang giai đoạn kia nhưng xét về mỹ học âm nhạc, cái cách họ hát thu âm và trình diễn, cái cảm của họ về nghệ thuật, hệ thẩm mỹ riêng, thì hầu như không đổi. Đó là điều khiến cho họ khác với các ngôi sao đàn em. Không giống đàn chị (những ngôi sao của thời văn công và ca khúc chính trị), cũng khác biệt hẳn đàn em (thế hệ 8X), bỗng nhiên họ độc sáng trong sự may mắn riêng và nhạc Việt chúng ta gián tiếp may mắn vì có đến năm divas không ai trùng màu với ai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét