(Toquoc)- Theo nhạc sĩ Thuận Yến, nếu đánh giá trên tư cách là mối quan hệ nhạc sĩ – ca sĩ, thì điểm nổi bật nhất của Thanh Lam là “không trung thành” với tác phẩm gốc của tác giả. Bài nào đã vào tay Lam thì phải được hát theo cách của Lam. Còn với tư cách “bố - con gái” thì Lam là cô con gái cứng đầu một cách thuyết phục!
Lam là cô con gái bướng bỉnh đáng yêu
Ngôi nhà của nhạc sĩ Thuận Yến nằm khuất trong một chiếc ngõ nhỏ phố Đê La Thành- cũ kỹ, rêu xanh mọc lan quanh cả những bờ tường và đặc biệt là có rất nhiều cây xanh. Trong phòng khách sập, gụ, tủ, tranh, bình gốm...cứ xếp thành hàng. Câu chuyện mà nhạc sĩ và chúng tôi nói đến là ca sĩ Thanh Lam, cô con gái rượu của ông. Dù trước khi ra khỏi nhà, ca sĩ Thanh Lam đã ghé vội qua phòng khách, thì thầm vào tai bố: “Nhất định không được cao hứng mà nói đến chuyện riêng tư của con đâu đấy!”.
Nhạc sĩ Thuận Yến cùng con gái Thanh Lam
Nhạc sĩ cười thân thiện và lý giải vì sao phòng khách trở nên bừa bộn đến vậy: "Của con Lam cả đấy. Nó vừa dọn về ở chung với bố mẹ. Tôi dọn đi cái phòng khách của tôi để nhường cho nó để đồ. Toàn những đồ cổ, mắc tiền dữ lắm nên phải tìm chỗ nào đàng hòang chút. Mình thì sao cũng được".
Vậy là nhạc sĩ đành cất đi bộ bàn ghế salon và mấy thứ trưng bày của mình vào một góc nhỏ trên tầng hai. Dành lại toàn bộ "mặt tiền" cho con gái. Tôi gặng hỏi tiếp: "Sao chú không sửa lại nhà, dành cho chị ấy hẳn một không gian rộng rãi, mặc sức trưng đồ"
"Ôi dào, nó có ở đây lâu đâu. Nó đang xây nhà. Con bé thích độc lập. Giờ nó đang ở với mình, tôi muốn nó cảm thấy vui vẻ và thoải mái".
Tuy được ca sĩ Thanh Lam nhắc khéo nhưng trong gần 3h đồng hồ, Lam là cái tên được nhắc đến gần như xuyên suốt câu chuyện mà nhạc sĩ kể cho chúng tôi. Và chúng tôi chỉ biết ngồi nghe nhạc sĩ say sưa nói về Lam. Và bất ngờ- là cảm nhận duy nhất của chúng tôi khi kết thúc câu chuyện. Một điều bất ngờ thú vị là trong câu chuyện của gia đình nhạc sĩ Thuận Yến, ông luôn nhắc đi nhắc lại câu: “Tôi thực lòng cảm ơn Lam nhiều lắm”.
“Một ca khúc nổi tiếng, được công chúng ghi nhận không phải do người sáng tác quyết định mà chính do người hát làm cho bài hát đó thăng hoa. Những ca khúc của tôi có sức sống trường tồn cho đến bây giờ, tất cả là đều nhờ vào cách thể hiện của Lam. Tôi phải cảm ơn con vì điều đó”. Sau lời tâm sự đó, nhạc sĩ tự chứng minh bằng những câu chuyện kể, gắn liền với một thời của ký ức.
“Ca khúc Khát vọng là do chính Lam đặt. Khát vọng được phổ theo lời bài thơ Tình yêu của nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến. Ban đầu tôi lấy luôn tên ca khúc là Tình yêu nhưng Lam cứ một mực yêu cầu ba phải đổi thành Khát vọng. Và nó tìm cách thuyết phục, giải thích đến khi nào mình bị khuất phục mà thôi. Và rồi khi Lam thể hiện ca khúc đó, tôi mới hiểu vì sao Lam lấy tên làKhát vọng. Lam đã cháy hết mình, đã thể hiện một tràn tràn trề và sâu sắc như chính những gì viết trong ca khúc.
Rồi với Chia tay Hoàng Hôn, Giọt nắng bên thềm (Thanh Tùng), con bé đã vụt sáng trong Cuộc thi đơn ca chuyên nghiệp toàn quốc lần 1 năm 1991 với 6 điểm 10 của 6 vị giám khảo. Đêm hôm đó tôi đứng ở bên ngoài một bờ tường, làn đầu tiên, hai giọt nước mắt lăn chảy dài trên má. Sau này, Chia tay Hoàng Hôn trở thành ca khúc được khán giả yêu cầu hát nhiều nhất mỗi khi có sự xuất hiện của Lam.Tôi nghĩ, cái tên Thuận Yến được sống một cách sống động trong tai của người nghe đều bắt nguồn từ giọng hát của Lam”.
Theo nhạc sĩ Thuận Yến, nếu đánh giá trên tư cách là mối quan hệ nhạc sĩ – ca sĩ, thì điểm nổi bật nhất của Thanh Lam là “không trung thành” với tác phẩm gốc của tác giả. Bài nào đã vào tay Lam thì phải được hát chỉ theo cách của Lam.
Còn với tư cách “bố - con gái” thì Lam là cô con gái cứng đầu một cách thuyết phục!
“Khi thu thanh một ca khúc nào đó hoặc hai bố con cùng tập một bài hát mới, Lam thể hiện độ bướng dữ lắm. Không phải cứ cái gì mình áp đặt vào là nó cứ như vậy mà làm theo đâu, mình là bố nhưng phần nhiều mình phải nghe nó ấy chứ. Nó trăn trở, suy nghĩ, tìm tòi sự mới mẻ trong cách nhả từng câu chữ… rồi hỏi bố như thế này được chưa. Nếu chỗ nào mình ưng mà nó chưa ưng hoặc ưng một cách khác thì nó tìm cách thuyết phục mình cho đến lúc nào bằng được thì thôi. Nó khuyên tôi nên dừng lại ở nốt nhạc nào để có điều kiện đi tiếp… Trước khi lên sân khấu, trước một ca khúc mới, Lam thường tập đi tập lại từ 10 đến 15 lần. Nhìn nó đau đáu từng bài hát mà thấy thương con. Thường thì trong một gia đình làm nghệ thuật, con cái chịu sự ảnh hưởng của bố mẹ dữ lắm. Nhưng Thanh Lam thì không. Tôi không phải là một ông thầy giáo làm công việc dạy dỗ mà chỉ là người hỗ trợ để Lam phát huy thế mạnh của mình một cách tốt nhất mà thôi”.
Khích lệ con gái bằng nụ cười
Cái tính chịu khó, độc lập của Lam được hình thành ngay từ bé. Không chỉ trong hoạt động nghệ thuật, Lam ý thức đuợc trách nhiệm của một người chị cả ngay từ khi còn là một cô bé.
“Chính cuộc sống khó khăn của gia đình đã dạy cho Lam cách quán xuyến gia đình. Để có đựoc căn nhà sang sủa, thoáng đãng như ngày hôm nay, chúng tôi đã phải di chuyển chỗ ở khá nhiều lần. Còn nhớ lúc Lam 6 tuổi, cả gia đình chúng tôi sống trong một căn nhà dột nát ở phố Đại La. Cứ đến mùa mưa, nước ngập cả khu nhà....Vì nhà nghèo nên chúng tôi thường mải mê kiếm tiền, Lam hồi đó thường thay bố mẹ tay giải quyết mấy cái vụ ngập nước trong nhà. Rồi cũng khôn ngoan khi nghĩ ra cách đặt câụ em trai 3 tuổi của mình lên hộp cây đàn Piano để tránh rơi xuống nước. Chuyện nấu nước, chặt củi, gánh nước cũng trở thành chuyện nhỏ. Cho đến bây giờ, nó vẫn thường trách đùa mẹ đã làm lưng nó gù đi rất nhiều vì phải gánh nước thường xuyên”.
Rồi sự bản lĩnh của Lam đã được thể hiện khi một mình xách vali sang Cu Ba để tham dự festival âm nhạc Lahavan (1989), lúc đó vừa tròn 20 tuổi. Và rồi đạt được giải Ca sĩ được mến mộ nhất với số lá phiếu bình chọn là 1890/2000.
“Hồi đấy đi nước ngoài là ghê gớm lắm, thế mà con bé vừa đi một mình, vừa chẳng biết tí tẹo gì tiếng Cu Ba, mà nó vẫn liều lĩnh. Mình thì lo cho con lắm nhưng không có tiền để đưa nó đi nên đành bấm bụng ở nhà ngồi lo”.
"Với tư cách “bố - con gái” thì Lam là cô con gái cứng đầu một cách thuyết phục!" - Nhạc sĩ Thuận Yến
“Theo chú, bản tính bướng bỉnh và độc lập của chị Lam ảnh hưởng nhiều nhất từ bố hay mẹ?”.
“Đó là bản tính của một người chị cả. Chị cả thường lo toan. Bây giờ, Lam không tiếp xúc nhiều với những chuyện hậu trường cơm nước nữa, nhưng điều đó không có nghĩa nó không phải là người phụ nữ đam đang”, nhạc sĩ phân minh cho cô con gái rượu của mình.
Nhạc sĩ Thuận yến có cách yêu con rất riêng, ông thường giấu nỗi buồn và lo lắng về sự trắc trở tình duyên của con gái vào một góc rất sâu trong tâm hồn. Và ông thường chỉ lấy nụ cười để khích lệ con gái. Có một thói quen rất lạ mà ông vẫn giữ mãi từ lúc trẻ cho đến tận bây giờ là sưu tập những bài báo viết về con gái của mình, để rồi thi thoảng mang ra ngắm nghía, đọc, rồi tự tủm tỉm cười. Nhạc sĩ có hai người con. Anh con trai lấy vợ người nước ngoài, cũng là một nhạc sĩ có tiếng ở Hà Nội và đời sống gia đình ổn định. Nên bấy nhiêu sự lo lắng, quan tâm ông đều dành cho cô con gái đầu. Thuận Yến thú nhận: “Dù Lam là một đứa con gái có thừa sự bản lĩnh và vững vàng nhưng tôi vẫn còn lo lắng về nó rất nhiều. Tuy nhiên lo thì lo vậy thôi chứ mình cũng không giúp gì được cho nó nhiều nên chỉ biết cổ vũ con. Tôi rất tôn trọng đời sống riêng tư của con gái. Trước sự vấp váp của con, thay vì trách cứ thì vợ chồng tôi thường động viên, tìm cách làm cho nó nở nụ cười trở lại”.
Cuộc đời không ai không có những lúc cô đơn, mệt mỏi, điều đó không loại trừ việc bạn là người nổi tiếng như ca sĩ Thanh Lam. Lúc ấy, gia đình là chỗ dựa thân thiết nhất để trở về. May mắn của chị, có lẽ là đã có một người cha nhân hậu và yêu thương con như nhạc sĩ Thuận Yến.
Hạnh An
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét